Cần có chính sách hỗ trợ nhân rộng các mô hình tích tụ ruộng đất

Dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất được xác định là nhiệm vụ quan trọng để góp phần chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang mô hình kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Đây cũng là điều kiện cần để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Tích tụ ruộng đất giúp nông dân huyện Triệu Phong thuận lợi trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh: L.A

Tích tụ ruộng đất giúp nông dân huyện Triệu Phong thuận lợi trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh: L.A

Tín hiệu tích cực

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vân Hòa, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong Nguyễn Văn Đình cho biết, thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa, năm 2024, HTX Vân Hòa đã thực hiện thành công việc tích tụ ruộng đất với diện tích 3,83 ha, chuyển từ 18 hộ thuê đất với mức 50 kg thóc/sào/năm sang cho 1 hộ thuê với giá 120 kg thóc/sào/năm. Trên cơ sở đó, vụ đông xuân năm nay, HTX tiếp tục triển khai thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất bằng hình thức dồn điền đổi thửa ở vùng ruộng Chéo Phú Liêu với diện tích 4,5 ha. Theo ông Đình, diện tích này trước đây vốn là vùng ruộng vét của HTX và được chia cho 143 hộ, trong đó, hộ có diện tích lớn nhất từ 2 - 3 sào, còn hộ thấp nhất chỉ khoảng 29 m2.

Ngoài ra, tại đây còn có 12 ngôi mộ của người dân trong HTX. Sau khi được tuyên truyền, vận động, toàn bộ các hộ dân có ruộng tại đây đã thống nhất để HTX san ủi mặt bằng, cất bốc các ngôi mộ, đắp bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông và cho hộ ông Lê Quang Lam thuê để sản xuất lâu dài với giá 131 kg thóc/ sào/năm, cao hơn gần gấp 3 lần so với trước đây.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, tổng diện tích tập trung, tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này đạt trên 780 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Hải Lăng gần 350 ha, Vĩnh Linh hơn 290 ha, Cam Lộ 100 ha...

Qua khảo sát, các diện tích sau khi dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất đều mang lại hiệu quả rõ rệt như: thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới vào sản xuất; giảm chi phí công làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch; giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; giảm sâu bệnh hại, đặc biệt là chuột và tiết kiệm nước tưới. Trị giá đồng ruộng cho thuê cao hơn từ 30 - 40%, hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với trước khi tích tụ, dồn điền đổi thửa nên người dân rất đồng tình và hưởng ứng.

Cần có chính sách hỗ trợ

Có thể khẳng định việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, san gạt mặt bằng ruộng lúa là nhu cầu bức thiết của nông dân tại các địa phương để thuận lợi cho tổ chức sản xuất. Đã có nhiều mô hình tích tụ sản xuất tập trung có liên kết đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ mới có huyện Triệu Phong ban hành đề án số 2777/ĐA-UBND ngày 5/7/2024 của UBND huyện Triệu Phong về tập trung, tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Các chính sách hỗ trợ theo đề án gồm, hỗ trợ san lấp, chỉnh trang đồng ruộng với mức 5 triệu đồng/ha; hỗ trợ cất bốc mồ mả với mức từ 2 - 5 triệu đồng/ngôi tùy theo quy mô, kích thước của từng ngôi mộ; hỗ trợ người cho thuê đất với mức 2 triệu đồng/ha (chỉ hỗ trợ 1 lần). Ngoài ra, có một số HTX đã vận động xã viên đóng góp kinh phí qua các năm để thực hiện dồn điền đổi thửa như HTX Sa Trung, HTX Thượng Hòa, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh.

Mặt khác, việc nhân rộng các mô hình tích tụ ruộng đất hiện vẫn đang gặp một số khó khăn như: hiện trạng ruộng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, được bố trí không đồng đều theo tuyến đường trục chính nội đồng dẫn đến khó khăn trong việc xác định vị trí thửa đất, lập sơ đồ chủ thể quản lý khi phá bỏ bờ thửa nhỏ.

Địa hình không bằng phẳng, hình thành nhiều ruộng bậc thang, vì vậy quá trình quy hoạch, cải tạo làm phẳng mặt bằng tốn kém. Bên cạnh đó, một số người dân vẫn còn tư tưởng không muốn bỏ ruộng, không cho thuê mướn mặc dù ruộng bỏ hoang hoặc sản xuất không hiệu quả. Chính sách để thúc đẩy dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất trên địa bàn toàn tỉnh chưa được ban hành...

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hồng Phương, sở đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương rà soát các mô hình tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh để xây dựng đề án “dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa trên địa bàn toàn tỉnh”.

Đồng thời tiếp tục mời gọi, giới thiệu các tổ chức, doanh nghiệp đến liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm để các địa phương, HTX yên tâm đầu tư sản xuất. Về phía các địa phương cần tiếp tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân đồng lòng thực hiện nhằm hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng cao.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/can-co-chinh-sach-ho-tro-nhan-rong-cac-mo-hinh-tich-tu-ruong-dat-193322.htm