Cần có chính sách 'hút' doanh nghiệp đầu tư vào y tế tư nhân
Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đưa ra một số kiến nghị nhằm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhiều dự án bệnh viện tư nhân, xây dựng hệ thống y tế tư nhân mạnh về số lượng, hoạt động hiệu quả về chất lượng để đạt mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%.
Theo Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, hệ thống y tế tư nhân trong những năm qua đã có những đóng góp lớn cho ngành y tế và sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, đến nay hệ thống y tế tư nhân Việt Nam vẫn chưa được định hình rõ địa vị pháp lý thông qua một nghị định, nghị quyết nào để mở đường, định hướng riêng cho sự phát triển y tư nhân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 - BCH Trung ương Đảng, khiến cho y tế tư nhân luôn rơi vào cảnh chịu “pháp luật khập khiễng, mâu thuẫn”.
Trong khi đó, luật, nghị định, thông tư hướng dẫn đầu tư lĩnh vực y tế tư nhân hiện tại còn nhiều bất cập, chưa thống nhất, lúng túng trong thực hiện. Nhiều địa phương còn xem nhẹ vai trò của y tế tư nhân. Còn tình trạng cùng chính sách, pháp luật đầu tư lĩnh vực y tế, nhưng mỗi địa phương hiểu, áp dụng một phương pháp, cách làm khác nhau, khiến cho doanh nghiệp, nhà đầu tư không thể tiếp cận, tham gia các dự án đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng các bệnh viện tư nhân.
Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%, đến năm 2030, tỉ lệ này đạt 15%.
Tuy nhiên theo thống kê, cả nước hiện mới chỉ có gần 400 bệnh viện tư nhân, gần 40.000 phòng khám, mới chỉ đáp ứng 5,16% tổng số giường bệnh.
Hiệp hội trăn trở “làm thế nào để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhiều dự án bệnh viện tư nhân, xây dựng hệ thống y tế tư nhân mạnh về số lượng, hoạt động hiệu quả về chất lượng, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 20/NQ-TW đặt ra, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của ngành y tế Việt Nam?”.
Để khắc phục những tồn tại hiện nay, hiệp hội kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu thống nhất một quy định, quy trình pháp luật về đầu tư các dự án bệnh viện tư nhân. Từ đó tạo hưng phấn, điều kiện thuận lợi, thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực y tế, chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt, đề nghị xem xét bỏ quy định đấu thầu, đấu giá đất đối với các dự án đầu tư bệnh viện tư nhân, tránh để mỗi địa phương hiểu và áp dụng mỗi kiểu chính sách pháp luật về đầu tư y tế tư nhân.
Tập trung nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, xác định rõ đất thực hiện dự án xây dựng cơ sở y tế tư nhân thuộc loại đất xây dựng công trình sự nghiệp, thuộc đối tượng dự án được Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Được Nhà nước hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê không thu tiền sử dụng đất trong suốt thời gian thực hiện dự án. Không phải thực hiện trình tự đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất, bảo đảm quyền lợi, công bằng như cơ sở y tế công lập.
Tiếp tục tham gia nghiên cứu, góp ý cùng Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, bảo đảm hài hòa, thuận lợi trong quá trình thanh toán, quyết toán giữa cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH).
Theo Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, hiện tại, một số quy định của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP không còn phù hợp với thực tế, nhất là vấn đề thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Từ đó gây nhiều khó khăn, vướng mắc, bất hợp lý và thiệt thòi đối với cơ sở khám chữa bệnh, thậm chí gây mâu thuẫn kéo dài giữa cơ sở khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH trong quá trình thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT…