Cần có chính sách phù hợp cho nhân viên y tế thôn bản, khu phố và cô đỡ thôn bản

Được xem là 'cánh tay nối dài' của ngành y tế, là nhân tố then chốt trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc y tế, thế nhưng hiện nay chế độ đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản và nhân viên y tế thôn bản trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với công việc mà họ đảm trách. Mặt khác, theo quy định mới, vẫn còn nhiều trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, ảnh hưởng đến chất lượng công tác.

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, nhân viên y tế thôn, bản có nhiệm vụ hỗ trợ trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại thôn, bản. Cô đỡ thôn, bản hỗ trợ trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại thôn, bản.

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, tỉ lệ thôn bản có nhân viên y tế trong cả nước đạt trên 90%. Trong những năm qua, đội ngũ y tế thôn bản đóng góp vai trò quan trọng đối với các chương trình y tế thôn, bản, giúp ngành y tế thực hiện các hoạt động của cộng đồng trong công tác nâng cao sức khỏe, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng và tăng tỉ lệ tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Đối với Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có 869 nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản. Thực tế cho thấy, nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và phát huy khả năng chuyên môn của mình. Sự tận tâm của đội ngũ làm công tác này đã giúp triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế dân số như: phòng chống dịch bệnh, sốt rét, các bệnh không lây nhiễm, suy dinh dưỡng trẻ em, tiêm chủng mở rộng, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình... Đặc biệt, thời gian qua, lực lượng này có nhiều nỗ lực trong phòng, chống COVID - 19 tại cộng đồng, giúp y tế tuyến xã, tuyến huyện hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Mặc dù đảm đương nhiều nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân tại địa phương, nhưng mức phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản rất thấp. Theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản (Quyết định 75), phụ cấp hàng tháng đối với nhân viên y tế thôn bản được chi trả với các mức 0,5 và 0,3 so với mức lương cơ sở chung áp dụng đối với nhân viên y tế tại các xã vùng khó khăn và các xã đồng bằng còn lại.

Đây là lý do khiến những năm gần đây, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản được đào tạo xin thôi làm việc, nhiều nhân viên y tế thôn bản không còn nhiệt tình. Số người đang đảm nhận phần lớn đã lớn tuổi, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại ở một số thôn bản không thuận tiện nên việc thực hiện nhiệm vụ kém hiệu quả, từ đó ảnh hưởng tới công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở cơ sở hiện nay.

Mặt khác, Quyết định 75 không áp dụng đối với nhân viên y tế tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn. Trong khi đó, toàn tỉnh có 212 nhân viên y tế tại tổ dân phố thuộc phường, thị trấn vẫn được tạo điều kiện để hưởng chế độ tương tự như nhân viên y tế thôn bản trong những năm qua.

Nếu không có sự điều chỉnh phù hợp để bảo đảm sự công bằng, hợp lý trong hoạt động của mạng lưới y tế thôn bản, khu phố hoặc cho phép các tỉnh, thành phố ban hành cơ chế, nghị quyết riêng để chi trả cho nhân viên y tế tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn trên địa bàn quản lý thì sẽ khó khăn cho các địa phương.

Một vấn đề bất cập khác là vẫn còn một số lượng không nhỏ nhân viên y tế thôn bản chưa qua đào tạo hoặc đào tạo chưa đạt yêu cầu chuyên môn. Trong số 869 nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản của tỉnh Quảng Trị hiện nay, có 701 người đã qua đào tạo ngành y, còn lại 168 người chưa qua đào tạo theo quy định.

Mới đây, Thông tư 27/2023/TT-BYT ngày 29/12/2023 của Bộ Y tế quy định nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản phải có trình độ chuyên môn về ngành y (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh) từ trung cấp trở lên (quy định cũ từ sơ cấp trở lên).

Như vậy, 168 người chưa qua đào tạo sẽ không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định mới, trong khi đó việc triển khai đào tạo nhân viên y tế thôn bản gặp nhiều khó khăn do không có nguồn kinh phí đào tạo và không có cơ chế chính sách để chi cho công tác đào tạo y tế thôn bản.

Việc duy trì mạng lưới cán bộ y tế thôn bản là hết sức cần thiết, nhưng để làm được điều này thì cần phải có những điều chỉnh căn bản mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Trong đó cần điều chỉnh để tăng mức phụ cấp hàng tháng đối với nhân viên y tế thôn bản, đảm bảo duy trì tính ổn định của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản và phù hợp với tình hình thực tiễn về mức giá sinh hoạt hiện nay.

Có cơ chế áp dụng chi trả phụ cấp đối với nhân viên y tế tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn để bảo đảm sự công bằng, hợp lý trong hoạt động của mạng lưới y tế thôn bản, khu phố đối với cả khu vực nông thôn và đô thị hoặc cho phép địa phương ban hành cơ chế, nghị quyết riêng để chi trả cho nhân viên y tế tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, cần tổ chức lại việc quản lý đội ngũ nhân viên y tế thôn bản theo hướng chính quy và khoa học hơn.

Đồng thời quan tâm bố trí kinh phí, hỗ trợ công tác đào tạo mới, đào tạo liên tục để đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đơn vị có nguồn nhân lực để thay thế, bổ sung, cũng như tạo điều kiện cho nhân viên y tế thôn bản được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức mới và học hỏi kinh nghiệm nhằm góp phần phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/can-co-chinh-sach-phu-hop-cho-nhan-vien-y-te-thon-ban-khu-pho-va-co-do-thon-ban/184121.htm