Cần có cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư riêng cho Cồn Cỏ
Đến đầu tháng 10 năm nay, huyện đảo Cồn Cỏ sẽ kỷ niệm 20 năm thành lập (2004 - 2024). 20 năm đã trôi qua, từ một 'đảo lính' có vị trí chiến lược trọng yếu trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Cồn Cỏ đang ngày càng thay da đổi thịt để phấn đấu xây dựng đảo tiền tiêu trở thành huyện đảo mạnh về quốc phòng - an ninh; giàu về kinh tế; đẹp về cảnh quan môi trường; thân thiện, nghĩa tình với du khách; trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tốc độ phát triển của huyện đảo Cồn Cỏ so với cột mốc 20 năm là vẫn chưa được như mong muốn, cần có thêm sự hỗ trợ, tiếp sức bằng những quyết sách đủ mạnh và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Trước hết, phải thấy rằng Cồn Cỏ là một hòn đảo nhỏ, nằm giữa biển khơi, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, biển động thường xuyên gây khó khăn trong việc lưu thông giữa đảo và đất liền. Điều này đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện còn hạn chế; cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch chưa đồng bộ; cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống chỉ mới đáp ứng yêu cầu tối thiểu của du khách; sản phẩm du lịch còn thiếu nên chưa thu hút được nhiều du khách đến với đảo.
Xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đối với huyện đảo Cồn Cỏ là một mục tiêu đúng đắn do quy mô nền kinh tế của địa phương này quá nhỏ bé. Có thể thấy sản lượng khai thác hải sản trong năm 2023 của toàn đảo chỉ đạt 15 tấn; sản lượng rau, củ, quả đạt khoảng 25.000 kg; sản lượng thịt quy đổi đạt 25.000 kg, chỉ đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên địa bàn và du khách đến đảo.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 55 triệu đồng. Hiện tại 21/21 hộ dân trên địa bàn cơ bản đã có việc làm ổn định như khai thác thủy, hải sản, hợp đồng lao động cho các đơn vị, kinh doanh, dịch vụ.
Những năm qua, huyện đảo Cồn Cỏ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ; tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, các hộ gia đình trên đảo đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Huyện đã bố trí kinh phí xây dựng Nhà truyền thống (giai đoạn 2); cải tạo, nâng cấp Bến Nghè và các điểm tham quan, du lịch; phục dựng Đài quan sát Thái Văn A; trang trí đèn led Cột cờ và các tuyến đường trung tâm tạo thêm điểm nhấn phục vụ khách tham quan, du lịch.
Bên cạnh đó còn tạo điều kiện cho các hộ gia đình sử dụng đất để làm cơ sở kinh doanh dịch vụ và khuyến khích các hộ đầu tư, sửa chữa, trang bị thêm cơ sở vật chất như đầu tư mua sắm xe điện, nâng cấp nhà hàng, quán ăn, quan tâm chất lượng dịch vụ.
Hiện trên đảo có 11 địa điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú với số lượng 73 phòng nghỉ, 197 giường, trong đó có 5 nhà khách của các đơn vị và 6 homestay gồm Trâm Anh, Sao Biển, Hoàng Liên, Hưng Phương, Hải Âu, Thánh Duyên... đang được đầu tư nâng cao chất lượng để sẵn sàng phục vụ du khách trong mùa du lịch 2024. Trong năm 2023, vốn đầu tư cho lĩnh vực du lịch, dịch vụ của các hộ dân đạt khoảng 700 triệu đồng.
Huyện còn phối hợp với Ban Quản lý dự án FMCR thực hiện gói đầu tư ứng dụng công nghệ trong việc quản lý, bảo vệ rừng ven biển, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ gắn với phát triển du lịch sinh thái rừng và du lịch lặn ngắm san hô tại vùng biển thuộc huyện đảo Cồn Cỏ đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật tại Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 với các hạng mục như đầu tư trạm nghỉ dừng chân, tàu đáy kính, thiết bị lặn và các thiết bị phục vụ du lịch khác.
Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, liên kết với các đơn vị lữ hành tổ chức các tour du lịch ra đảo. Tiếp tục duy trì và cung cấp ra thị trường các sản phẩm đặc trưng của đảo như cá khô, nước mắm, giảo cổ lam, đồng thời tổ chức trưng bày một số mặt hàng đặc sản Quảng Trị phục vụ du khách. Phối hợp với các ban, ngành chức năng của tỉnh thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tham quan du lịch trên địa bàn theo Quyết định số 543/QĐ-UBND ngày 22/3/2017 của UBND tỉnh; đồng thời triển khai có hiệu quả Quy chế ứng xử văn hóa trên địa bàn đảo.
Huyện cũng đã thành lập đoàn kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm nhằm phục vụ khách du lịch ngày càng tốt hơn. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, văn minh du lịch, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch và công tác quản lý nhà nước đối với các khu, điểm du lịch. Những nỗ lực trên hướng tới mục tiêu năm 2024, Cồn Cỏ phấn đấu thu hút khoảng 9.500 - 10.000 lượt khách du lịch; doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt khoảng 15 tỉ đồng.
Hiện Trạm điện Cồn Cỏ đã đảm bảo cung ứng điện liên tục cho các cơ quan, đơn vị và Nhân dân trên đảo, sản lượng điện tiêu thụ trong năm 2023 đạt 592.393 kW, doanh thu đạt trên 1,2 tỉ đồng. Tổng sản lượng nước sinh hoạt cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, hộ dân khoảng 12.543 m3. Huyện cũng đã duy trì hệ thống nước tập trung, máy nước lọc tinh khiết, máy sản xuất đá viên phục vụ nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình và khách du lịch. Về dịch vụ vận chuyển, hành khách tuyến Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ hiện có 2 tàu: tàu ConCo Tourist với sức chở 80 khách và tàu Chính Nghĩa với sức chở 156 khách.
Để hỗ trợ, tiếp sức cho huyện đảo Cồn Cỏ có bước phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trước hết cần triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021- 2030 huyện đảo Cồn Cỏ đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1103/QĐ-UBND ngày 10/3/2021. Phát động phong trào, khuyến khích người dân và du khách đến với đảo sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường để từng bước xây dựng đảo Cồn Cỏ trở thành đảo xanh - sạch - đẹp, tạo ấn tượng tốt đối với du khách.
Vấn đề quan trọng như đã đề cập ở trên, Cồn Cỏ là huyện đảo đặc thù, diện tích đất nhỏ hẹp, dân số ít, nhưng dư địa phát triển rất lớn và cần một nguồn tài chính đủ mạnh để biến các ý tưởng xây dựng đảo Cồn Cỏ thành đảo du lịch đẳng cấp trở nên hiện thực. Vì thế, cần có một cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư riêng phù hợp với dư địa phát triển của đảo Cồn Cỏ.
Các ngành chức năng cùng với huyện đảo Cồn Cỏ cần có sự rà soát, quy hoạch tổng thể về sử dụng đất để chủ động trong thu hút đầu tư, bảo đảm hài hòa giữa giữ vững quốc phòng- an ninh với phát triển kinh tế; hợp tác đầu tư phải cụ thể từng lĩnh vực, lộ trình, làm đến đâu chắc đến đó và đem lại hiệu quả rõ ràng.