Cần có cơ chế, chính sách trong liên kết tiêu thụ lúa

Trong những năm qua, tình hình liên kết tiêu thụ lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tương đối thuận lợi. Minh chứng là diện tích sản xuất lúa có liên kết tiêu thụ tăng qua từng năm, dao động từ 24.495 - 61.973ha (năm 2019 - 2023), có 65 công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ lúa. Tính riêng trong năm 2023, đã có 61.973ha được liên kết tiêu thụ, trong đó diện tích lúa được công ty, doanh nghiệp liên kết thu mua là 13.805ha, diện tích còn lại được các nhà máy, thương lái, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh liên kết thu mua.

Trong năm 2023, diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được doanh nghiệp, công ty, thương lái hợp đồng liên kết thu mua khoảng 61.973ha. Ảnh: THÚY LIỄU

Trong năm 2023, diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được doanh nghiệp, công ty, thương lái hợp đồng liên kết thu mua khoảng 61.973ha. Ảnh: THÚY LIỄU

Diện tích gieo trồng lúa hằng năm trên địa bàn tỉnh hơn 320.000ha, sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao 1,92 triệu tấn (chiếm trên 93% sản lượng lúa toàn tỉnh). Với sản lượng lúa lớn, để tiêu thụ lúa tốt, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm đến chất lượng lúa, do đó, đơn vị đã triển khai Đề án Phát triển lúa đặc sản, Đề án Nông nghiệp hữu cơ với diện tích gần 5.000ha. Để tiêu thụ lúa đạt hiệu quả, hiện tỉnh có 65 công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ lúa, với nhiều hình thức liên kết thu mua khác nhau như: hợp đồng được ký kết ngay từ đầu vụ với giá cố định và mỗi bên chia sẻ 50% khi giá lúa tăng - giảm hoặc là cung cấp vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) ngay từ đầu vụ đến cuối vụ, thu mua lúa theo giá thị trường.

Mặc dù có hợp đồng thu mua lúa nhưng vẫn có một số hợp đồng liên kết chưa chặt chẽ, không có sự ràng buộc giữa các bên nên dễ bị hủy khi giá lúa biến động, cùng với đó việc liên kết tiêu thụ lúa chưa thật sự bền vững do chưa có sự chia sẻ lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Trị, xã Thạnh Trị (huyện Thạnh Trị) cho biết: “Thời điểm trước dịch Covid-19 xảy ra, việc nông dân bán lúa cho công ty ít gặp trường hợp nông dân “bẻ kèo”, bởi khi công ty trực tiếp xuống làm việc với nông dân thì đôi bên thấu hiểu các quy định đặt ra, việc mua bán diễn ra thuận lợi. Nhưng sau này, công ty hợp đồng thu mua lúa thông qua trung gian nên giữa nông dân và công ty có nhiều điểm chưa thống nhất dẫn đến tình trạng hợp đồng ký kết tiêu thụ lúa gặp khó, gây ảnh hưởng cho bên mua và bên bán. Qua đó, đề xuất ngành chuyên môn, chính quyền địa phương hỗ trợ hợp tác xã về việc xem xét năng lực của công ty, doanh nghiệp khi ký kết hợp động liên kết thu mua lúa của nông dân, góp phần giúp nông dân yên tâm trong khâu ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp”.

Là đơn vị có nhiều năm ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có tỉnh Sóc Trăng, theo Tập đoàn Lộc Trời, đơn vị khi đã ký kết hợp đồng thu mua lúa của nông dân và chốt giá, thì khi giá lúa giảm vẫn thu mua đúng giá đã ký kết trước đó và thu mua hết sản lượng lúa cho bà con. Theo đại diện Tập đoàn Lộc Trời, mặc dù công ty có ký kết thu mua lúa với nông dân nhưng không thể mua hết sản lượng lúa tại địa phương. Do đó, lực lượng thương lái thu mua cũng đóng góp quan trọng trong vấn đề tiêu thụ lúa nên ngành chuyên môn và địa phương cần xây dựng cơ chế chính sách cũng như các quy định đối với lực lượng này, để việc tiêu thụ lúa của nông dân hiệu quả hơn.

Đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, để thực hiện tốt việc ký kết được hợp đồng liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu cho tỉnh về thực hiện các chính sách phát triển, liên kết sản xuất và bố trí lồng ghép vào các hoạt động của các dự án, đề án của Trung ương, địa phương. Khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã chủ động xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu lúa sản xuất tập trung, đạt chất lượng có truy xuất nguồn gốc. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp để liên kết tiêu thụ lúa. Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc tiêu thụ lúa.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/can-co-co-che-chinh-sach-trong-lien-ket-tieu-thu-lua-72735.html