Cần có cơ chế đặc thù cho cán bộ, công chức sau sáp nhập được hưởng chính sách nhà ở xã hội
Sáng 21/5, thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho rằng, với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng của cán bộ, công chức hiện nay để mua được nhà ở với điều kiện bình thường sẽ rất khó. Do đó, những cán bộ thực hiện sáp nhập nên có cơ chế đặc thù, bảo đảm cho tất cả các đối tượng khi thực hiện chuyển sang nơi làm việc mới nếu có nhu cầu được thuê, mua thì sẽ áp dụng theo đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội với giá ưu đãi.
Sáng 21/5, thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho rằng, với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng của cán bộ, công chức hiện nay để mua được nhà ở với điều kiện bình thường sẽ rất khó. Do đó, những cán bộ thực hiện sáp nhập nên có cơ chế đặc thù, bảo đảm cho tất cả các đối tượng khi thực hiện chuyển sang nơi làm việc mới nếu có nhu cầu được thuê, mua thì sẽ áp dụng theo đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội với giá ưu đãi.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận tại tổ.
Tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội
Qua nghiên cứu Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Đặng Bích Ngọc đồng tình, nhất trí cao theo Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp. Việc ban hành nghị quyết này trong giai đoạn hiện nay nhằm tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, giảm các thủ tục; mục tiêu để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tham gia đầu tư xây dựng các nhà ở xã hội nhằm sớm hoàn thành xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Mặc dù đã đặt ra mục tiêu đó nhưng điều kiện, quy trình thủ tục như hiện nay thì việc hoàn thành rất khó khăn. Trong khi thực tế người dân, nhất là người hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp và những cán bộ công chức, người lao động thuộc diện sắp xếp tinh gọn, sáp nhập các đơn vị hành chính việc có quỹ nhà ở xã hội rất khó. Do vậy, việc đưa nghị quyết của Quốc hội vào để thông qua tại Kỳ họp thứ 9 là rất phù hợp.
Góp ý cụ thể về giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu (Điều 5), đại biểu khẳng định: Đây là một trong những quan điểm thể hiện sự thông thoáng và tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện chỉ định thầu đối với các dự án nhà ở xã hội nếu như đã có mặt bằng sạch. Quy định này sẽ giúp quy trình được thực hiện nhanh chóng và bảo đảm điều kiện cho các đơn vị, chủ đầu tư có điều kiện thuận lợi, xây dựng sớm các nhà ở xã hội cho các đối tượng.
Không nên quy định cứng khoảng cách từ nơi ở đến nơi làm việc phải từ 30 km trở lên
Tại Điều 9 quy định về điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội có quy định "1. Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sắp xếp lại thì căn cứ vào phạm vi đơn vị hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án trước thời điểm sắp xếp lại để xác định điều kiện về nhà ở đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.”
Theo đại biểu, đối với các điều kiện được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội mà ở những đơn vị có thực hiện sáp nhập cần phải có quy định rất rõ đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, người lao động đến làm việc ở nơi mới sau sắp xếp được thực hiện quyền lợi mua nhà ở xã hội như các đối tượng hiện nay đang áp dụng. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đối tượng khi sang làm việc sẽ có điều kiện được thuê, mua với giá ưu đãi và các điều kiện lược giảm bớt tối đa.
Cơ bản cán bộ, công chức tại tỉnh cũ đã có nhà nhưng khi chuyển sang nơi làm việc mới thì lại chưa có nơi ở. Theo quy định tại khoản 2 điều này: "2. Trường hợp đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở có địa điểm làm việc cách xa nơi có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì điều kiện về nhà ở để được mua, thuê mua nhà ở xã hội gần địa điểm làm việc là chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì khoảng cách ngắn nhất từ nơi có nhà ở thuộc sở hữu của mình đến địa điểm làm việc phải từ 30 km trở lên.”.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng: "Nếu quy định cứng phải 30 km trở lên sẽ khó vì nhiều nơi cách có 20 km nhưng cán bộ, công chức có nhu cầu ở lại để làm việc thì nên tạo điều kiện cho các đối tượng này. Bởi, những cán bộ thực hiện sáp nhập nên có cơ chế đặc biệt, đặc thù để đưa vào nghị quyết, bảo đảm cho tất cả cán bộ, công chức, người lao động khi chuyển sang nơi làm việc mới không tính khoảng cách là bao nhiêu nhưng nếu có nhu cầu được thuê, mua thì sẽ áp dụng theo đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Dù cá nhân đó có nhà rồi nhưng sang đơn vị mới có nhu cầu mua cũng phải tạo điều kiện tối đa để động viên, tạo điều kiện tốt nhất khi đến nơi làm việc mới, cũng như tạo điều kiện cho gia đình sang để ở, học tập và nhu cầu khác”.
"Theo quy định phải 30 km trở lên mà nhà tôi có khoảng cách 29 km nhưng vẫn có nhu cầu đưa con sang học tập nếu không cho mua thì sẽ rất khó. Trong khi các cán bộ cơ bản là người có hoàn cảnh khó khăn, lương chỉ 5 - 6 triệu đồng/tháng nếu mua được nhà ở với điều kiện bình thường sẽ rất khó. Do đó, đề nghị dự thảo Luật không nên quy định cứng là 30 km sẽ gây khó khăn trong quá trình tiếp cận, tổ chức thực hiện sau này. Đồng thời không nên quy định cứng đã có một nhà rồi mà nên tạo điều kiện, ưu tiên được hưởng mua theo như đối tượng về nhà ở xã hội”, đại biểu nhấn mạnh.
Thống nhất với quy định về vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại Điều 11, đại biểu cho rằng: Quy định "ưu tiên sử dụng nguồn thu mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đóng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cho các địa phương” sẽ bảo đảm việc tổ chức thực hiện sau này thuận lợi.
"Đối với các tỉnh có thu ngân sách lớn ảnh hưởng không nhiều, tuy nhiên ở những địa phương, nguồn thu ngân sách còn hạn chế cần phải có nguồn lực này để giúp các địa phương có điều kiện, nguồn lực thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Từ đó có đất sạch để hỗ trợ các doanh nghiệp và thực hiện xây dựng nhà ở xã hội bảo đảm chất lượng trong thời gian ngắn nhất để có một quỹ nhà ở xã hội”, đại biểu chia sẻ.
Trong thời gian qua, nhu cầu về ở nhà xã hội rất lớn và đối tượng thu nhập thấp còn rất nhiều. Trong bối cảnh hiện nay, khi giá nhà chung cư nhất ở các thành phố lớn tăng cao, nên việc người dân tiếp cận được với nhà ở xã hội còn khó khăn. "Chính vì vậy, chúng ta phải tạo được quỹ nhà ở xã hội rộng lớn, số lượng nhiều. Đồng thời cũng có những cơ chế đặc biệt, đặc thù thực hiện trong bối cảnh này giúp cho việc tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương thuận lợi và bảo đảm được mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay”, đại biểu nhấn mạnh.
Bảo đảm thống nhất, hiệu quả trong triển khai thực hiện
Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Đặng Bích Ngọc thống nhất về sự cần thiết phải ban hành các luật này.
Góp ý vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, tại khoản 1, Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn có quy định: "Công đoàn Việt Nam tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người Lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện thành viên trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Qua lấy ý kiến vào dự án Luật này, nhiều ý kiến cho rằng đề nghị bỏ cụm từ "rộng lớn”, vì rất khó xác định. Ngoài ra, từ "rộng lớn” mang tính định tính và nếu như chúng ta quy định ở đây chưa chắc đã chặt chẽ và dẫn đến những cách hiểu có thể khác nhau. Đề nghị bỏ từ này và nên điều chỉnh lại "Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân, của người lao động” cũng đầy đủ và bao hàm, phù hợp hơn.
Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, tại mục những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai theo Điều 11, tại khoản 9 quy định "số lượng đối tượng, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ, danh sách công dân đủ điều kiện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, danh sách công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, danh sách tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn nhập ngũ trên địa bàn cấp xã”. Đại biểu cho rằng, nếu quy định như vậy chưa bao gồm đầy đủ đó là nhập ngũ trong quân đội nhân dân và công an nhân dân. Bởi hiện nay, chúng ta đang thực hiện việc gọi công dân lên đường nhập ngũ theo 2 hướng: thứ nhất ở trong đơn vị quân đội nhân dân và thứ hai bên công an nhân dân phải quy định đầy đủ về cả công an nhân dân và quân đội nhân dân để bảo đảm sự thống nhất cũng như Luật Nghĩa vụ Quân sự và Luật Công an nhân dân hiện nay và cũng thể hiện đầy đủ nội dung này.
Về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân theo Điều 62, đề nghị bổ sung quy định giao trách nhiệm của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể về tổ chức hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân để bảo đảm thống nhất, hiệu quả trong triển khai thực hiện và có những cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động có hiệu quả.