Cần có giải pháp bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số

Tiếng nói và chữ viết là một trong những yếu tố quan trọng làm nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang có nguy cơ dần bị mai một… Vì vậy, việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS được xem là vấn đề cấp thiết, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng DTTS.

Đưa chương trình tiếng DTTS vào giảng dạy được xem là một trong các giải pháp nâng cao hiểu biết về tiếng nói, chữ viết cho đồng bào DTTS - Ảnh: H.A

Đưa chương trình tiếng DTTS vào giảng dạy được xem là một trong các giải pháp nâng cao hiểu biết về tiếng nói, chữ viết cho đồng bào DTTS - Ảnh: H.A

Để bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã thành lập Ban chỉ đạo dạy tiếng DTTS; xây dựng kế hoạch dạy tiếng DTTS; tổ chức tập huấn cho giáo viên làm công tác trợ giảng; thực hiện chuyên đề dạy tiếng DTTS. Hằng năm, Sở GD&ĐT lồng ghép nội dung dạy tiếng DTTS để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện. Sở Nội vụ đã tham mưu xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt bộ tài liệu dạy tiếng DTTS Brũ -Vân Kiều sử dụng cho việc dạy tiếng nói, chữ viết DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) công tác tại vùng DTTS và miền núi.

Bộ tài liệu có 10 chủ đề, 55 bài học theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT. Bộ tài liệu này đã được đề nghị chỉnh sửa bổ sung năm 2019. Trên cơ sở bộ tài liệu được phê duyệt của UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT thành lập Hội đồng biên soạn tài liệu dạy học tiếng Brũ -Vân Kiều cho học sinh lớp 6, 7 với 64 tiết học và tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên. Từ năm học 2013-2014, Sở GD&ĐT đã tổ chức dạy thí điểm tại huyện Hướng Hóa gồm: Trường Tiểu học Hướng Tân (lớp 3) và Trường THCS Húc (lớp 6); năm học 2014 - 2015, thí điểm dạy tại Trường Tiểu học Hướng Tân (lớp 4) và Trường THCS Húc (lớp 7).

Sau đó, Sở GD&ĐT tổ chức hội thảo trao đổi rút kinh nghiệm để tiếp tục giảng dạy tiếng Brũ - Vân Kiều trong những năm tiếp theo. Từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021, tổ chức dạy ở 5 trường gồm: Trường PTDTNT Hướng Hóa, Trường PTDTBT THCS Hướng Phùng, Trường PTDTBT THCS Húc, Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa) và Trường PTDTNT Đakrông với 20 lớp (676 học sinh). Từ năm học 2021 - 2022, do điều kiện kinh phí cũng như đội ngũ giáo viên không đảm bảo nên Sở GD&ĐT đã đề nghị các trường tạm dừng việc dạy thí điểm ở các trường không thể duy trì.

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS cho CBCCVC công tác ở vùng DTTS và miền núi theo Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 9/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2007 đến năm 2019, tỉnh Quảng Trị đã mở 24 lớp với hơn 900 lượt CBCCVC công tác ở vùng DTTS và miền núi tham gia.

Sở GD&ĐT cũng đã ban hành các quyết định cho phép Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Linh, Đakrông, Hướng Hóa tổ chức dạy tiếng Brũ -Vân Kiều cho CBCCVC công tác tại vùng DTTS hoặc tham gia công tác theo nguyện vọng được học tập để cấp chứng chỉ. Từ năm 2018 đến nay, đã mở 11 lớp với 787 học viên tham gia và được cấp chứng chỉ.

Khó khăn trong công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS trong thời gian qua là chương trình, tài liệu do Sở GD&ĐT tổ chức biên soạn để sử dụng dạy thí điểm trong các cơ sở giáo dục vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp; việc phân chia số tiết/bài học chưa phù hợp và nhiều từ khó, ít dùng nên giáo viên, học sinh gặp khó khăn khi dạy và học; tài liệu tham khảo không có; thiếu kinh phí tổ chức dạy thực nghiệm…

Mức độ nhận thức của học sinh là đồng bào DTTS về việc học còn nhiều hạn chế, trong khi đó các em phải học quá nhiều ngôn ngữ như: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Brũ -Vân Kiều nên khá căng thẳng cho học sinh…; đội ngũ giáo viên là đồng bào DTTS thành thạo chữ viết ngày càng ít dần do tuổi tác…; đội ngũ giáo viên dạy tiếng Brũ -Vân Kiều kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến chuyên môn, chất lượng dạy và học.

Giáo viên dạy tiếng Brũ-Vân Kiều chưa được đào tạo một cách bài bản, chủ yếu là giáo viên tự học, tự nghiên cứu để giảng dạy; chưa có bảng gõ chữ Brũ-Vân Kiều trên bàn phím máy tính nên giáo viên rất khó khăn khi soạn kế hoạch dạy học (giáo án) trên máy tính, mà chủ yếu là soạn bằng phương pháp viết tay; không tổ chức đánh giá, xếp loại nên học sinh xem nhẹ việc học tiếng Brũ-Vân Kiều…

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Huy Phương cho biết, để khắc phục những khó khăn trong công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS, thì Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn cụ thể về các quy trình thủ tục để đưa tiếng DTTS vào danh mục được phê duyệt của các cấp có thẩm quyền, nhằm làm căn cứ ban hành tài liệu dạy học tiếng Brũ-Vân Kiều chính thống đưa vào áp dụng, có nhận xét, đánh giá, xếp loại cụ thể trong quá trình dạy học.

Có chế độ, chính sách cụ thể với người dạy, người học nhằm thực hiện việc dạy tiếng DTTS có hiệu quả; chỉ đạo các trường sư phạm quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS; có chính sách ưu tiên bồi dưỡng giáo viên tiểu học, THCS là đồng bào DTTS để bố trí giảng dạy môn tiếng DTTS phù hợp tại các trường…

UBND tỉnh cần chỉ đạo, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện các nội dung về bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS; phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương để phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS; bố trí kinh phí tổ chức dạy tiếng DTTS trong các cơ sở giáo dục; có chế độ ưu đãi cụ thể cho giáo viên, học sinh thực hiện dạy và học thực nghiệm tiếng Brũ-Vân Kiều…

Hải An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/can-co-giai-phap-bao-ton-tieng-noi-chu-viet-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so/178431.htm