Cần có giải pháp bảo vệ khu rừng mộ cổ

Hàng trăm ngôi mộ cổ, được cho là nơi chôn cất quân lính của nghĩa quân Lam Sơn tại xã Ngọc Phụng (Thường Xuân), dù đã được đưa vào quy hoạch để trùng tu và bảo tồn, nhưng hiện nay, khu di tích này đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng.

Ông Ngân Văn Tân ở thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) bên ngôi mộ cổ.

Ông Ngân Văn Tân ở thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) bên ngôi mộ cổ.

Dọc theo bờ sông Âm, đoạn chảy qua làng Mé thuộc thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng, một khu mộ cổ đã tồn tại từ lâu đời, nhưng không ai biết chính xác nguồn gốc hay thời điểm hình thành. Những ngôi mộ này nằm trên một bãi đất rộng, cỏ cây um tùm, được đánh dấu bằng những tấm bia đá với nhiều kích thước, kiểu dáng khác nhau, chôn thẳng xuống đất.

Ông Ngân Văn Tân ở thôn Xuân Thành cho biết: "Khu mộ nằm kề ngay dãy Pù Mé, nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai (tháng 2/1416) của Lê Lợi và các vị nhân kiệt. Ngày trước, người dân ít khi vào khu vực rừng mộ này. Nhưng từ khi có thông tin bên trong có nhiều thú rừng thì những tốp thợ săn đã mở một lối đi vào, dần dần những ngôi mộ vô danh ở đây được nhiều người biết đến".

Không ai trong làng biết những ngôi mộ này có từ bao giờ, ai là chủ nhân và cũng không có tục lệ thờ cúng nào của địa phương có liên quan đến những ngôi mộ. Hiện nay, không có số liệu thống kê chính xác về số lượng các ngôi mộ tại đây. Với người dân địa phương, rừng mộ cổ này gắn với tục lệ cấm kỵ việc đào mộ nên hầu như không có ai dám động chạm đến.

Còn ông Lê Đức Tiến ở thôn Xuân Thành cho hay, từ khi còn nhỏ, ông đã nghe kể về những ngôi mộ cổ này. Những ngôi mộ được cho là của nghĩa quân Lam Sơn. “Khu rừng mộ cổ này rất thiêng nên không ai dám chăn thả trâu, bò vào khu vực này. Những ngôi mộ nằm dày đặc, đá làm bia được cho là lấy từ núi đá Sách thuộc địa phận xã Phùng Minh (Ngọc Lặc)" - ông Tiến nói.

Theo hồ sơ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa địa điểm Hội thề Lũng Nhai và các di tích liên quan mà xã Ngọc Phụng cung cấp, trong đó có khu rừng mộ cổ. Đây là những ngôi mộ được an táng theo phong tục tang ma của người Mường. Tại mỗi ngôi mộ sẽ được chèn các hòn mồ xung quanh (hòn mồ là những cột đá có dạng tròn, hoặc dẹt tạo dáng, có kích thước dày dựng thành hàng rào vây quanh mộ. Các ngôi mộ này có hình chữ nhật, hình vuông). Số lượng hòn mồ tại các ngôi mộ được quy định cụ thể theo từng dòng họ. Nguyên tắc đặt hòn mồ quy định theo giới tính, lứa tuổi, chức tước... và được chôn sâu khoảng 1/4 hay 2/5 và nhô lên khỏi mặt đất.

Từ năm 1964, người dân đến đây định cư, khai phá, không biết nên đã lấy bia đá về xây móng nhà, đốt vôi vãi ruộng, thu dọn làm bãi trồng lúa, trồng mía nên không gian rừng mộ cổ này ngày càng bị thu hẹp. Sau đó, xã Ngọc Phụng đã nghiêm cấm không cho người dân xây nhà trong khu mộ cổ, ngăn chặn việc đập đá làm thay đổi hiện trạng của khu mộ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều hộ dân đến nhận những ngôi mộ đá này là tổ tiên của gia đình mình nên tự ý ra xây dựng lại mộ theo kiến trúc hiện đại. Thêm vào đó, khu mộ hiện vẫn nằm xen kẽ trong các đồi keo, tràm nên không được bảo vệ nghiêm ngặt và có nguy cơ bị xâm hại.

Để bảo vệ khu rừng mộ cổ, ngày 10/1//2024 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 165/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa địa điểm Hội thề Lũng Nhai và các di tích liên quan gắn với phát triển du lịch tại xã Ngọc Phụng. Trong đó, khu mộ cổ có diện tích tu bổ, tôn tạo hơn 10.000m2, được quy hoạch xây dựng tạo cảnh quan, trồng các loại cây bản địa. Trước tình trạng khu rừng mộ cổ đang có nguy cơ bị xâm hại, việc sớm triển khai công tác quy hoạch bảo tồn, tôn tạo được xem là nhiệm vụ cấp thiết.

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/can-co-giai-phap-bao-ve-khu-rung-mo-co-34815.htm