Cần có giải pháp chống tình trạng sạt lở ở miền Tây Nam Bộ
Người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa trải qua đợt hạn mặn, lại tiếp tục hứng chịu tình trạng sạt lở đất bờ sông. Tại tỉnh Tiền Giang, các huyện, thị phía Đông và vùng ngọt hóa Gò Công, sạt lở kênh rạch diễn ra phức tạp. Người dân vừa chống chọi với hạn mặn lại đối mặt sạt lở.
Hồi tháng 2, tuyến tỉnh lộ 873, đoạn qua ấp 1, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt giao thông. Đoạn sạt lở dài 50m sụp xuống nước, ăn sâu vào sân nhà dân. Theo Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang, mực nước trên các sông, kênh ở khu vực phía Đông thấp, cạn kiệt dẫn đến kết cấu bị phá vỡ gây sạt lở nghiêm trọng.
Tại các tỉnh, thành ĐBSCL việc xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất thường kết hợp với phát triển giao thông nông thôn. Vì vậy, khi xảy ra sạt lở, giao thông cũng bị chia cắt. Đường kênh Ông Mười là tuyến đường liên huyện nối thị xã Cai Lậy với vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản phía Nam huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, với chiều dài 6,4km.
Do ảnh hưởng bởi sạt lở, một đoạn kênh dài khoảng 50m sụp xuống nước khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tương tự, bờ sông Đường Nước đoạn qua xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy sạt lở nghiêm trọng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, các huyện, thị vùng Ngọt hóa Gò Công có hơn 100 điểm sạt lở, chiều dài gần 12km. Đặc thù vùng dự án Ngọt hóa Gò Công là phải tập trung bơm nước tối đa phục vụ sản xuất, chống hạn ứng cứu cây trồng khiến các kênh mương khô cạn trơ đáy. Đây là một trong những nguyên nhân chính đưa đến tình trạng sụt lún, sạt lở đất.
Ngoài giải pháp về công trình, tổ chức thi công, kiên cố hóa bờ kênh và đường giao thông nông thôn, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện các giải pháp phi công trình như: Khuyến khích trồng cây xanh chắn sóng, chắn gió, gây nuôi lục bình và các cây trồng thích hợp để giữ lại phù sa, phòng, chống sạt lở.
Tỉnh Đồng Tháp chịu nhiều ảnh hưởng sạt lở đất bờ sông. 21 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố bị sạt lở, gần 6.000 hộ dân cần được di dời. Nguyên nhân sạt lở chủ yếu do tác động của dòng chảy trên các sông gây ra và hoạt động của con người như: Khai thác cát không đúng quy định, xây dựng các công trình trái phép, phương tiện giao thông chở quá tải, chạy tốc độ cao dẫn đến hiện tượng sạt lở cục bộ. Dọc theo sông Tiền, đoạn qua huyện Thanh Bình thường xuyên sạt lở, nhiều điểm chỉ cách quốc lộ 30 chưa đến 20m.
Còn tại tỉnh An Giang, tuyến quốc lộ 91 qua huyện Châu Phú sạt lở nghiêm trọng vào năm 2019 và cuối tháng 5 vừa qua. Hai điểm sạt lở này cách nhau chưa đến 100m, cuốn toàn bộ mặt đường xuống sông Hậu. Tỉnh An Giang đã xây dựng tuyến tránh dài 5km qua khu vực này.
Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, việc xây dựng tuyến tránh và xử lý khẩn cấp vị trí sạt lở chỉ là giải pháp trước mắt. Khu vực này vẫn còn khoảng 2.500 hộ dân bị sạt lở. Tỉnh đang tìm phương án giải quyết triệt để nguyên nhân gây sạt lở để ổn định lâu dài.
Tại TP Cần Thơ, gây thiệt hại nhiều nhất là hai điểm sạt lở sông Bến Bạ, phường Tân Phú, quận Cái Răng và điểm sạt lở sông Bình Thủ (phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Theo UBND quận Cái Răng, điểm sạt lở tại rạch Bến Bạ làm ảnh hưởng hai căn nhà.
Toàn bộ chiều dài khu vực sạt lở khoảng 120m, trong đó đoạn đường giao thông nông thôn sạt lở hoàn toàn khoảng 80m, lấn sâu vào bờ đoạn lớn nhất khoảng 6m. UBND thành phố Cần Thơ đã mời Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam tiến hành đo đạc, khảo sát chi tiết các khu vực sạt lở, tìm phương án khả thi để khắc phục.
Ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết: các vụ sạt lở ở Cần Thơ có nhiều điểm chung. Thứ nhất vì áp lực đất đai ở đô thị nên người dân sinh sống rất gần bờ sông, gia tải lên bờ sông ngày càng lớn nên tạo điều kiện cho sạt lở xảy ra.
Thứ hai, phần lớn những khu vực này có nền đất rất yếu, thậm chí nhiều chỗ rất ít đất mà người dân chỉ đổ cát lên để san lấp, xây dựng. Thứ ba, do điều kiện tự nhiên, thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa, cộng thêm yếu tố dòng chảy, thủy triều đã góp phần làm tăng nguy cơ sạt lở.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, nguyên nhân chính của việc sạt là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mê Kông, tức là thiếu cát và phù sa. Dòng nước bị thiếu phù sa sẽ nhẹ hơn, dư thừa năng lượng chảy mạnh hơn, khoa học gọi là “nước đói”, có khuynh hướng “ăn” vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực.
Trong bối cảnh thiếu cát và phù sa, gia tăng sạt lở là tất yếu nếu cứ tiếp tục khai thác cát. Bài toán bây giờ là so sánh và đánh đổi. Đánh đổi giữa lợi nhuận khai thác cát và tổn thất do sạt lở cùng với chi phí ứng phó, đánh đổi giữa bờ này và bờ kia, bên nào cần bảo vệ hơn và so sánh chi phí giữa phương án bảo vệ và phương án rút lui, tái định cư, làm đường tránh.