Cần có giải pháp hạn chế đuối nước ở trẻ em
Gần đây, khi trẻ bắt đầu được nghỉ hè, tai nạn đuối nước liên tục xảy ra. Những vụ đuối nước thương tâm vừa qua là báo động đỏ và cần những giải pháp quyết liệt không chỉ từ gia đình.
Những vụ đuối nước thương tâm
Chiều ngày 29/5, tại xã An Dũng, huyện Đức Thọ xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến hai cháu là H.T.M.L ( 6 tuổi) và H.T.H ( 3 tuổi) tử vong. Hiện trường khiến hai cháu tử vong là khu vực ao cá ngay phía sau nhà.
Người dân cho biết, chiều tối cùng ngày, hai cháu ở nhà chơi, không có người lớn trông nom. Bố mẹ vận việc đồng áng nên để hai chị em ở nhà tự chơi. Khoảng 17 giờbcùng ngày, hai vợ chồng anh H, chị L về nhà chẳng thấy hai con đâu nên tá hỏa đi tìm. Sau đó nhờ cả bà con hàng xóm tìm kiếm nhưng rồi đau đớn khi phát hiện hai cháu tử vong dưới ao cá.
Trước đó, vào ngày 27/5, nhiều người bàng hoàng khi nghe tiếng kêu cứu trên sông Tiêm đoạn chảy qua xã Phú Phong, huyện Hương Khê. Một số người dân đã nỗ lực nhưng không thể kịp thời cứu hai cháu bé bị đuối nước.
Thời điểm đó, em P.D.M (SN 2009) và N.T.Đ (SN 2012) đều trú tại thị trấn Hương Khê cùng 2 người bạn rủ nhau ra tắm tại khúc sông Tiêm đoạn chảy qua địa bàn thôn 2, xã Phú Phong, huyện Hương Khê. Trong lúc tắm không may cả hai em trượt chân ra xa dòng nước và bị nước cuốn. Sau đó được người dân vớt lên bở sơ cứu nhưng hai cháu đã tử vong.
Còn tại tỉnh Nghệ An, trước đó vào ngày ngày 19/5, hai bé trai là cháu Hồ Sỹ C. và Lê Thạc Q. (cùng 4 tuổi) đến nhà ông Hồ Sỹ X. (trú ở khối Sỹ Tân, phường Quỳnh Dị) chơi. Trong lúc ông X. không để ý, hai cháu đã mở cửa cổng nhà để đi chơi.
Khi gọi hai cháu không được, ông X. liền hô hoán mọi người tổ chức tìm kiếm thì bàng hoàng phát hiện 2 cháu đã tử vong dưới ao nước trong khuôn viên nhà văn hóa khối (cách nhà khoảng 100 mét).
Đó là những vụ đuối nước ở trẻ trong thời thời gian ngắn gần đây. Trong hai năm qua tình trạng trẻ bị đuối nước tại Nghệ An và Hà Tĩnh dường như chưa có xu thế giảm dẫu các ngành chức năng cũng đã thực hiện rất nhiều biện pháp như tuyên truyền, cắm biển cảnh báo, tổ chức dạy bơi...Liên tục nhiều trẻ tử vong do đuối nước khiến dư luận sửng sốt, lo lắng.
Cần có giải pháp hạn chế đuối nước
Những ngày hè nóng nực, thời tiết nắng nóng khiến các em nhỏ muốn bơi lội, cảm giác rất thích nước và ngâm mình trong nước. Ngoài sự hiếu động, nghịch ngợm, các em cũng chưa nhận thức được sự nguy hiểm do đó vẫn rủ nhau đi tắm sông, khe, suối hoặc chơi gần các hồ nước không có hàng rào an toàn. Do đó những vụ tai nạn thương tâm do đuối nước vẫn xảy ra thường xuyên.
Những vụ đuối nước liên tục chính là báo động đỏ về một sự không an toàn với trẻ trước thực trạng tai nạn đuối nước luôn rình rập, nguy cơ cao. Để giảm thiểu tối đa việc đuối nước ở trẻ, các chuyên gia cho rằng ngoài việc chú trọng dạy bơi cho trẻ để tạo kỹ năng khi trẻ gặp hoạn nạn có thể có kỹ năng để thoát nguy nan. Có những trường hợp con còn nhỏ, cháu chưa thể học bơi thì phụ huynh phải để ý khi các cháu chơi ở nhà, tránh việc để các cháu nhỏ tự chơi một mình, lơ là khi trông giữ trẻ.
Nhất là tại các vùng nông thôn, khi mà ao, hồ, sông suối nhiều, thì môi trường này càng có nguy cơ cao nhất. Do vậy, khi trông giữ trẻ cần để mắt các hoạt động của trẻ để có thể kịp thời phát hiện, nhắc nhở trẻ tránh xa những khu vực nguy hiểm.
Đối với những gia đình có ao hồ, gần môi trường trẻ chơi thì cần tăng cường các biện pháp như làm rào chắn an toàn, sử dụng một số hình ảnh cảnh báo và nhắc nhở trẻ tránh xa khu vực nguy hiểm. Một số gia đình nông thôn vẫn sử dụng giếng khơi làm nước sinh hoạt, phần miệng giếng quá thấp thì cần che đậy cẩn thận, có độ nặng phù hợp để trẻ không thể đẩy vật che đậy ra khỏi miệng giếng.
Ngoài những việc nêu trên thì phụ huynh cần tăng cường chú trọng việc dạy bơi cho trẻ. Khi trẻ có kỹ năng nguy cơ đuối nước cũng sẽ được hạn chế thấp nhất.
Chính quyền địa phương cần tuyên truyền mạnh mẽ. Đưa ra những cảnh báo về đuối nước nguy cơ cao ở trẻ hiện nay. Cũng như việc nhắc nhở phụ huynh thường xuyên để ý con, nhắc nhở các con tránh xa những khu vực nguy hiểm dễ gây đuối nước. Tăng cường lực lượng đoàn viên thanh niên, ngoài các hoạt động như cắm biển cảnh báo thì phối hợp với nhà trường tổ chức các lớp học bơi, trau dồi kỹ năng cho trẻ.
Tình trạng đuối nước ở trẻ hiện nay dường như đã ở mức báo động đỏ. Mong rằng không chỉ mỗi gia đình mà cả cộng đồng cần chung tay thì hi vọng mọi thứ được kiểm soát tốt hơn. Để trẻ không còn những rủi ro, đau thương và chúng ta bớt đi những tin dữ về trẻ mỗi độ hè về đuối nước thương tâm.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/can-co-giai-phap-han-che-duoi-nuoc-o-tre-em-421619.html