Cần có giải pháp hữu hiệu để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Văn Trà phát biểu thảo luận tại Quốc hội sáng 30/10. Ảnh: CTV
Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Báo Phú Yên trích đăng bài phát biểu của đồng chí Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.
Trước hết, cũng như các đại biểu Quốc hội đã phát biểu, tôi bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao với những kết quả đạt được trên các mặt, lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2019, là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt và vượt cả 12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Tôi đồng tình và đánh giá cao với các nhận định, đánh giá được nêu trong Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, đó là: “Những kết quả quan trọng, toàn diện đạt được là rất ấn tượng trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức”, cũng như: “tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước và cũng là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo và ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta”.
Tôi cũng thống nhất với các nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhất là về một số nội dung Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn để thấy rõ hơn những kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những thành tựu đã đạt được, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế đất nước.
Về mặt hạn chế, tôi thấy các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân được Chính phủ chỉ ra trong báo cáo cơ bản là đầy đủ, thẳng thắn, trách nhiệm. Đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp khả thi và quyết liệt trong khắc phục, khơi thông các điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển. Thiết nghĩ, nếu tiến độ thực hiện, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn; khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài sản công… tiết kiệm và hiệu quả hơn; các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là các dự án về hạ tầng giao thông, công nghiệp… được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng đúng kế hoạch thì chắc chắn kết quả thu được còn cao hơn, ấn tượng hơn.
Ở đây tôi chỉ xin có ý kiến thêm về một nội dung, đó là hạn chế, tồn tại trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện, đưa pháp luật vào cuộc sống, có thể nói đây vừa là hạn chế, tồn tại và cũng chính là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sự chỉ đạo điều hành, đến phát triển kinh tế, quản lý xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Vấn đề này trong báo cáo của Chính phủ cũng có nêu: “Việc thực hiện các đột phá chiến lược chưa đáp ứng được yêu cầu. Quy trình ban hành văn bản pháp luật và một số quy định của pháp luật còn bất cập...”.
Về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì ngoài việc bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, phải đảm bảo tính thống nhất, minh bạch trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật, tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện và bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính... Thực tế chúng ta chưa có được một hệ thống pháp luật như vậy, nhiều vấn đề, lĩnh vực của đời sống xã hội còn thiếu luật, thiếu văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh; hệ thống luật còn chồng chéo, không ít nội dung còn mâu thuẫn, xung đột, thiếu tính thống nhất giữa các luật, giữa các điều trong một luật, thậm chí trong một điều luật; chất lượng các văn bản pháp luật ban hành chưa cao, về nguyên tắc luật được ban hành là có thể áp dụng được ngay nhưng thực tế luật của ta phải có nghị định, có thông tư thì mới thực hiện được, nên phải chờ, chưa nói đến việc nếu văn bản hướng dẫn thi hành không hoàn toàn đúng với nội hàm của các điều luật, không rõ nghĩa, dễ bị hiểu, vận dụng khác nhau, chưa nói là còn bị lợi dụng và lách luật…
Thực tế có một số chuyện như: Khi báo cáo trình một vụ việc thì các cơ quan, đơn vị chức năng cũng căn cứ, cũng trích dẫn các điều khoản trong văn bản quy phạm pháp luật để cấp thẩm quyền xem xét và quyết định, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đến cũng chiếu vào các văn bản, điều khoản đó thì lại kết luận là không đúng…; hay như nhiều khi cấp dưới có khó khăn, vướng mắc trong áp dụng, vận dụng văn bản pháp luật xin ý kiến cấp trên thì được trả lời chung chung, trả lời nước đôi (ví dụ như cơ bản thống nhất với đề xuất, kiến nghị nhưng đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật...). Vì vậy, nếu loại trừ yếu tố cố tình vận dụng, lợi dụng, lách luật hay thiếu hiểu biết thì còn một vấn đề đó chính là chất lượng, sự đồng bộ, thống nhất… của các văn bản quy phạm pháp luật.
Về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2020, tôi thấy với 12 nhiệm vụ, giải pháp lớn được nêu trong báo cáo của Chính phủ và trong mỗi nhiệm vụ, giải pháp lại có các nội dung, giải pháp rất cụ thể, đầy đủ, toàn diện. Ở đây, tôi xin có một vài kiến nghị, đề xuất như sau:
Một là, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tập trung đầu tư nhiều hơn cả về nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng làm luật, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành…; và cũng cần có quy định rõ, cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm và cả chế tài xử lý vi phạm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hai là, đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu, khả thi để xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp ngang tầm nhiệm vụ; thu hút được những người có bản lĩnh, trí tuệ, có tâm, có tầm vào khu vực công; có cơ chế chính sách, khung pháp lý để những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm được trọng dụng, có môi trường tốt để hoạt động, sáng tạo, yên tâm làm việc, cống hiến.
Cuối cùng, về một số đề xuất, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri Phú Yên, tuy đã được tổng hợp báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Dân nguyện và Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng xem xét giải quyết, nhưng ở đây tôi cũng mong muốn và đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xem xét những vấn đề mà cử tri, người dân rất quan tâm, nhiều lần phản ánh, đề xuất như: việc hạ tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi từ 80 xuống 75; về thị trường đầu ra cho nông thủy sản (tôm hùm, mía đường...); về hạ tầng giao thông, sớm được đầu tư nâng cấp quốc lộ 25, 29 từ Phú Yên lên các tỉnh Tây Nguyên; về bồi thường thiệt hại cho người dân có nhà bị ảnh hưởng do thi công quốc lộ 1; về cơ sở vật chất của ngành Y tế, chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ y tế; về thông tuyến bảo hiểm xã hội...