Dự thảo Luật Nhà giáo theo định hướng 'điều gì tốt hơn cho nhà giáo thì ủng hộ'
Ngày 20-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo, để có thêm thông tin về dự án Luật này, Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Khánh Hòa về những điểm mới trong dự án Luật Nhà giáo.
- Thưa ông, có nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc xây dựng luật riêng về nhà giáo vì hiện đã có nhiều luật liên quan điều chỉnh đối tượng này như Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Bộ Luật Lao động và một số luật chuyên ngành như Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp…, xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Thời điểm hiện tại, Đảng và Nhà nước đều đã khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo. Hiện nay, đã có Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Bộ Luật Lao động và một số luật chuyên ngành như Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp… nhưng vẫn cần phải có Luật Nhà giáo vì các lí do như sau:
Thứ nhất, trong tổng số viên chức toàn quốc hiện nay, nhà giáo công lập chiếm tỷ lệ khoảng 73%. Nhà giáo công lập là viên chức làm chuyên môn trực tiếp tại các cơ sở giáo dục công lập theo cấp học, trình độ đào tạo với hoạt động nghề nghiệp rất đặc thù, đặc biệt (làm việc trực tiếp với người học, sản phẩm nghề nghiệp là sự phát triển về năng lực, nhân cách của người học…). Tương tự như vậy, nhà giáo ngoài công lập là người lao động nhưng hoạt động nghề nghiệp hoàn toàn khác biệt với những người lao động hoạt động sản xuất, chế tạo sản phẩm hàng hóa khác. Vì vậy, nếu chỉ áp dụng các luật hiện hành tức là lấy đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của gần 30% viên chức khác (viên chức hành chính) để quy định chung cho viên chức nhà giáo (viên chức chuyên môn đặc thù) cũng như ứng xử với nhà giáo ngoài công lập bằng Bộ luật Lao động như những người lao động sản xuất hàng hóa khác thực sự không phù hợp.
Do hoạt động của nhà giáo rất khác biệt so với các nghề nghiệp khác, nhà giáo lại là lực lượng có vai trò quyết định chất lượng giáo dục nên nhà giáo cần được quản lý bởi hệ thống pháp luật riêng, phù hợp để phát triển.
Thứ hai, theo tinh thần xây dựng Luật hiện nay, khi có Luật Nhà giáo, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là “viên chức đặc biệt”. Nghĩa là, nhà giáo công lập vẫn là viên chức, thực hiện các quy định của Luật Viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo tại Luật này. Nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài là “người lao động đặc biệt”, áp dụng theo quy định của Bộ luật Lao động và thêm những quy định đặc thù của nhà giáo tại luật này. Các quy định đặc thù đối với nhà giáo được tính toán, thiết kế tại dự thảo Luật Nhà giáo theo định hướng “điều gì tốt hơn cho nhà giáo thì ủng hộ”. Luật Nhà giáo sẽ kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì thế, Luật Nhà giáo còn được kỳ vọng sẽ tạo không gian cho nhà giáo sáng tạo và phát triển nghề nghiệp liên tục, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới. Như vậy, việc ban hành Luật Nhà giáo không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà giáo hiện nay, mà định hướng, tạo nền tảng cho việc phát triển giáo dục trong tương lai. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết cần sớm ban hành Luật Nhà giáo, không chỉ vì quyền lợi, giá trị của cá nhân nhà giáo, mà là yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
- Thưa ông, xin ông cho biết những điểm mới về chính sách nhà giáo tại dự án Luật này?
So với quy định hiện hành tại các Luật liên quan như Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ luật Lao động, dự thảo Luật Nhà giáo có một số điểm mới như sau:
1. Đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật Nhà giáo là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
2. Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.
3. Giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng nhà giáo.
4. Quy định việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo. Các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được quy định đầy đủ, làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp và các yêu cầu của ngành Giáo dục.
5. Chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
6. Nhà giáo công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật được hưởng một số chính sách hỗ trợ khác (về chỗ ở tập thể hoặc thuê nhà công vụ, được thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định...).
7. Nhà nước có chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
8. Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
- Xin cảm ơn ông!
TRÍ NGHĨA (Thực hiện)