Cần có giải pháp tích cực hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn để kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh
Sáng 29/5, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, với số người nhiễm bệnh tăng cao trong cộng đồng...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến.
(baophutho.vn)
- Sáng 29/5, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, với số người nhiễm bệnh tăng cao trong cộng đồng, nhất là tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố lớn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc."
Cùng dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh.
Dự tại điểm cầu Phú Thọ có các đồng chí: Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình dịch bệnh, đề xuất các giải pháp tích cực, hiệu quả hơn để phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 4 trường hợp mắc COVID-19 là ca bệnh trong cộng đồng thuộc khu 2, xã Kim Đức, Việt Trì (BN3116, BN3622, BN4257, BN4259). Hiện, 4 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh, tình trạng sức khỏe hiện tại vẫn đang ổn định và tiếp tục được theo dõi chặt chẽ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tổng thể nước ta đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh, nhưng cục bộ ở một số địa phương còn gặp nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Trước tình hình hiện nay đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn thì mới có thể kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh, đặc biệt tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp, theo đúng tinh thần chung là “chống dịch như chống giặc”.
Thủ tướng Chính phủ nhận định, mặc dù công tác phòng, chống dịch bệnh đã đạt được một số kết quả bước đầu, góp phần làm nên thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tuy nhiên một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã lơ là, mất cảnh giác, không nắm chắc tình hình, chưa đưa ra được biện pháp phòng, chống dịch nhanh và hiệu quả; một bộ phận nhân dân thiếu nghiêm túc thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh là những nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh phức tạp hơn.
Đồng chí nhấn mạnh: Kinh nghiệm rút ra từ đợt dịch thứ 4 là sự quan trọng của việc nắm chắc tình hình, chỉ đạo quyết liệt, tổ chức nghiêm túc, sáng tạo các quy định phòng, chống dịch phù hợp với điều kiện thực tiễn cụ thể. Đồng thời thực hiện khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; tháo gỡ khó khăn nhanh chóng và kịp thời biểu dương lực lượng tuyến đầu và người dân đã ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh để tạo được sự ủng hộ, đồng tình trong cộng đồng xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân được đặt lên hàng đầu. Trong đó, kiềm chế đẩy lùi, kiểm soát và dập tắt dịch bệnh, nhất là các địa phương, địa bàn trọng điểm. Song song với đó, nghiên cứu, tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo “an ninh, an dân và an toàn”, tổ chức thật tốt việc kết thúc năm học 2020 - 2021.
Thủ tướng yêu cầu, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch phải hết sức tập trung, trách nhiệm với tinh thần tổng lực, toàn diện, tập trung trí tuệ, thời gian, công sức để khoanh vùng, dập dịch hiệu quả. Chú trọng phát huy kết quả, thành quả đã đạt được trong các đợt dịch trước và kết quả chống dịch bước đầu ở đợt dịch này để vận dụng, phát huy tốt hơn nữa. Linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện, tuyên truyền vận động, lấy người dân là trung tâm, chủ thể là chống dịch.
Đồng chí đề nghị: Các đơn vị, địa phương cần nắm chắc và dự báo tốt tình hình; kết hợp hài hòa hợp lý giữa phòng ngừa và tấn công. Trong đó tấn công là đột phá, phòng ngừa là cơ bản, chiến lược lâu dài. Không lờ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch; đồng thời không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh khi có dịch dẫn đến quyết định kém hiệu quả. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, yêu nước, tất cả vì nhân dân, trên cơ sở chức năng quyền hạn của mình, quy định của Nhà nước để vận dụng tốt công tác chống dịch; siết chặt kỉ luật kỉ cương; tăng cường kiểm tra, giám sát, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm để dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá. Trong quá trình phòng, chống dịch chú ý vừa làm vừa rút kinh nghiệm những cách làm hay, cách làm tốt, hiệu quả để bổ sung vào lý luận và thực tiễn chống dịch.
Cả nước phải lấy khó khăn là động lực để phấn đấu vươn lên, khẳng định ý chí của dân tộc, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; xử lý nghiêm những tư tưởng, hành động, biểu hiện gây rối, chia rẽ lòng dân, gây hoang mang lo sợ trong nhân dân.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Các địa phương, đơn vị làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo bám sát tình hình, nhanh chóng đưa ra quyết định, phương hướng, giải pháp cụ thể với phương châm “phòng chống từ xa”, thực hiện các giải pháp “5K + Vắc xin + công nghệ” trong cuộc chiến chống dịch bệnh; phòng vệ thường xuyên, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực hiệu quả.
Đồng chí giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; Ban Quản lý các khu công nghiệp, các chủ doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động nhập cảnh.Các tỉnh, thành phố huy động mọi nguồn lực để có vắc xin cho người dân. Chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn để người dân cùng làm, cùng bàn bạc, cùng thụ hưởng, phát huy tinh thần mỗi người cần bảo vệ chính mình, bảo vệ cộng đồng, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Đồng thời tiếp tục tổ chức sản xuất kinh doanh, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.