Cần có khuôn khổ pháp lý riêng để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển
Tiếp tục chương trình Kỳ họp, chiều 30/5, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Thảo luận tại tổ, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc cần luật hóa cơ chế, chính sách dành cho đô thị đặc biệt, tương xứng với vị thế, tiềm năng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là điều cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại, tạo đột phá, khơi thông nguồn lực, kiến tạo để Thành phố phát triển. Hơn nữa, về căn cứ chính trị, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị đã khẳng định rõ: “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”.
Một số ý kiến chỉ rõ, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá cho Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với Thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đất nước.
Bày tỏ sự quan tâm với cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh để tạo cú hích cho Thành phố phát triển, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh: Theo dự thảo Nghị quyết, Thành phố cũng chỉ có những cơ chế ngang bằng với các tỉnh, thành phố khác, chưa thực sự có cơ chế đặc thù nổi bật. “27 cơ chế chính sách vượt trội trong dự thảo đều là cơ chế thử nghiệm đi trước”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Trong các cơ chế, chính sách mới được đề xuất trong dự thảo Nghị quyết mới, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ quan tâm nhiều tới vấn đề thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông. Với cơ chế mới này, việc phát triển giao thông cùng với xây dựng các khu đô thị đi kèm khi giải phóng mặt bằng sẽ giúp Thành phố xây dựng được những khu đô thị hiện đại, văn minh.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức bộ máy của Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có thành phố Thủ Đức hiện nay để bảo đảm sự tiếp nối trong hoạt động của bộ máy chính quyền. Theo đại biểu, trong các thí điểm thì tổ chức bộ máy là phức tạp nhất vì liên quan đến con người nhằm bảo đảm sự kế thừa, tiếp nối khi kết thúc giai đoạn thí điểm, bộ máy chính quyền vẫn hoạt động. Cùng với đó là việc quản lý cán bộ, công chức khi dự thảo Nghị quyết cho phép tăng số lượng hơn so với mức phân bổ trước đây. Và sau 5 năm thí điểm, quyền lợi của các cán bộ, công chức này sẽ ra sao, tránh việc quay lại cơ chế cũ ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy chính quyền, cũng như quyền lợi của cán bộ, công chức.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đặt vấn đề, hiện nay có hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi Hà Nội được quy định có Luật Thủ đô thì tại sao Thành phố Hồ Chí Minh không có Luật Đô thị đặc biệt? Đại biểu cho rằng cần Luật hóa đô thị đặc biệt để trên cơ sở đó có hành lang pháp lý trung hạn và dài hạn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao dự thảo Nghị quyết cho Thành phố được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn. Đại biểu nêu thực tế, thời gian qua, Thành phố có chi thu nhập tăng thêm với cán bộ, công chức nhưng vẫn xảy ra tình trạng cán bộ nghỉ việc, vì khối lượng công việc quá lớn đi kèm trách nhiệm nặng nề. Đại biểu cũng đề nghị cần đưa tổ chức bộ máy của thành phố Thủ Đức thành một điều riêng trong dự thảo Nghị quyết.
Theo đại biểu Hà Thị Nga (Đồng Tháp), với phạm vi cơ chế, chính sách đề xuất khá rộng, nhiều lĩnh vực, trong đó có một số cơ chế chính sách mới ảnh hưởng nhiều đến đời sống, xã hội, để có thêm căn cứ vững chắc trong việc triển khai Nghị quyết, cần tiếp tục đánh giá bổ sung sâu sắc hơn tác động của các cơ chế, chính sách về kinh tế - xã hội đối với đời sống nhân dân, nhất là các cơ chế, chính sách kế thừa Nghị quyết 54/2014/QH14 phải chỉ rõ được khó khăn, hạn chế… trong quá trình triển khai thực hiện vừa qua.
Nhiều đại biểu quan tâm đến quy định tại Điểm c, Khoản 5, Điều 4 dự thảo Nghị quyết, cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao. Các dự án đầu tư theo hình thức này phải bảo đảm quyền lợi của người dân. Trình tự, thủ tục thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư....
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc nâng cấp, mở rộng đường đối với Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết để giảm ách tắc giao thông cũng như áp lực lên ngân sách, nhất là khâu giải tỏa, đền bù.
Đồng thuận với quan điểm nêu trên, song đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị, phải quy định chặt chẽ vấn đề này ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, cần quy định các điều kiện bảo đảm tính chất của dự án BOT đối với các đường đô thị (nội đô), tức là không phải xây mới mà phải nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa, tránh trường hợp "các công trình đường bộ hiện hữu có sẵn sau đó đầu tư một chút và thu phí". Thứ hai, dự thảo Nghị quyết có quy định việc bảo vệ quyền lợi của người dân, nhưng quy định còn rất chung. Do đó, cần cụ thể hóa các tiêu chí nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị.