'Cần có lộ trình để đưa huyện lên quận hoặc TP'
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị phải hoàn thành quy hoạch chung của TP Thủ Đức vào tháng 7-2022; còn quy hoạch chung của TP.HCM thì cơ bản hoàn thành cuối năm nay...
Ngày 29-6, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp sáu tháng cuối năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm phục hồi nhanh, khá toàn diện, cơ bản đạt được mức như trước dịch. Tuy nhiên, hiện nay đòi hỏi cần giải quyết các tồn đọng, như các thủ tục hành chính để tăng khả năng hấp thụ vốn nhằm phục hồi nền kinh tế.
Nghiên cứu sâu đề án chuyển huyện thành quận hoặc TP
Theo đó, ông Phan Văn Mãi đã nêu ra 12 đầu việc cần thực hiện trong sáu tháng cuối năm 2022. Cụ thể, cần tập trung rà soát, quyết liệt thực hiện 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo nghị quyết HĐND TP đề ra, đảm bảo hoàn thành, nhất là việc thu chi ngân sách của TP. Bởi vừa qua, vì không hoàn thành các chỉ tiêu này mà xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của TP.HCM rất thấp.
Liên quan đến 49 công trình, đề án theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP, cần rà soát và quyết tâm đến tháng 10-2022 (tức hai năm sau đại hội) thì tất cả đề án phải đưa vào triển khai thực hiện, không còn nằm trên giấy nữa.
Nói sâu về nhiệm vụ quy hoạch, ông Mãi đề nghị quyết liệt triển khai quy hoạch kinh tế - xã hội TP, rà soát bổ sung quy hoạch chung của TP và TP Thủ Đức. Trong đó, phải hoàn thành quy hoạch chung của TP Thủ Đức vào tháng 7-2022; còn quy hoạch chung của TP.HCM thì cơ bản hoàn thành cuối năm nay và chậm nhất là quý II-2023 hoàn thành quy hoạch kinh tế - xã hội của TP để phấn đấu phê duyệt vào giữa năm 2023.
Về đề án chuyển các huyện thành quận hoặc TP trực thuộc TP.HCM, ông cho biết đây là chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI. Ban cán sự đảng UBND TP đã chỉ đạo các ngành xây dựng đề án để có lộ trình chuyển trong thời gian sắp tới.
“Không phải năm 2022 chúng ta bàn thì năm sau các huyện này sẽ lên quận hoặc TP. Hơn nữa, cũng không phải TP Thủ Đức lên TP trực thuộc TP.HCM thì các huyện cũng sẽ như Thủ Đức” - ông Mãi nhấn mạnh và đề nghị cần có sự nghiên cứu sâu, xác định rõ mô hình, có lộ trình phù hợp để có sự đầu tư nâng chất, phấn đấu nâng lên.
Ông khẳng định các đề án này hiện đang nghiên cứu, xây dựng; tránh tình trạng chưa chuyển được huyện nào lên quận hoặc TP mà đất đai đã tăng giá.
Quyết liệt triển khai các dự án đầu tư công
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng chỉ đạo cần quyết liệt triển khai các dự án đầu tư công nhằm đảm bảo giải ngân đầu tư công đạt chỉ tiêu vào cuối năm.
Theo ông Mãi, từng dự án đầu tư công phải có kế hoạch, tiến độ, duy trì giao ban hằng tháng để kiểm tra. Đồng thời phát huy ba tổ công tác được thành lập vừa qua gồm tổ giải phóng mặt bằng; tổ các dự án có vốn lớn và tổ giải ngân ODA.
“Các tổ phải rà soát từng dự án có vướng mắc ở đâu và có đề xuất tháo gỡ; hoạt động hằng tuần, hằng tháng, đẩy nhanh tiến độ vào những tháng cuối năm” - ông Mãi nói.
Ông cũng cho biết hiện UBND TP đang trình HĐND TP điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công năm 2022. Hiện đang có tình trạng các đơn vị được giao vốn ngay từ đầu năm nhưng rà soát thấy khả năng không giải ngân được. Do đó, Chủ tịch TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện có đủ hồ sơ đầu tư công có thể đưa vào danh sách giải ngân ngay trong năm thì rà soát thật kỹ lại, báo cáo Thường trực UBND TP bổ sung vào kế hoạch.
Song song đó cần chuẩn bị kế hoạch đầu tư công năm 2023, tránh tình trạng chậm trễ như năm nay.
Cũng tại buổi họp, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh việc tập trung triển khai các dự án trọng điểm về nhà ở, chống ngập, giao thông, trung tâm tài chính và các dự án lớn khác trong hoặc ngoài ngân sách.
Ông dẫn chứng: “Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa mấy chục năm nay rồi có tiếp tục triển khai nữa không, cần có tổ công tác, cách tiếp cận để triển khai. Hay chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản xóa được nhà ở ven kênh rạch thì cần có sự tập trung. Còn năm 2030 có mục tiêu hệ thống metro cơ bản khép kín…”.
Ông Mãi cho rằng nếu với cách tiếp cận như hiện nay thì vẫn rất khó để thực hiện. Do đó cần xác định danh mục công trình dự án, chuẩn bị cho giai đoạn 2023-2025 và cả sau năm 2025.
Ngoài ra, để tạo đà tăng tốc vào năm 2023, người đứng đầu chính quyền TP.HCM đề nghị các ngành chuẩn bị cho buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, báo cáo các nhóm việc tồn đọng thuộc thẩm quyền của trung ương; tổng kết Nghị quyết 54 và hoàn thiện các đề xuất mới trình Bộ Chính trị, Quốc hội; góp ý các dự án luật…
TP.HCM có mức tăng trưởng kinh tế khá
Báo cáo kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá.
Trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 3,1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP ước tính đạt 24,9 tỉ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước tính đạt 49.681 tỉ đồng, tăng 29,9%.
Đáng chú ý, tổng thu ngân sách nhà nước ước tính đạt hơn 238.000 tỉ đồng, đạt 61,74% dự toán năm và tăng 17,49% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng, chỉ số CCHC năm 2021 của TP.HCM còn thấp. Theo bà Mai, TP.HCM nằm trong nhóm B, so với năm 2020, chỉ số CCHC của TP đã tụt hạng, hạng 43 với chỉ số 86,05% (năm 2020 xếp hạng 23, chỉ số 84,7%).
Nguồn PLO: https://plo.vn/can-co-lo-trinh-de-dua-huyen-len-quan-hoac-tp-post686803.html