Cần có Luật Dân số để nâng cao chất lượng dân số tại Việt Nam
'Nếu không chăm lo công tác dân số, chúng ta sẽ chịu đựng 'gánh nặng' về cơ cấu dân số, chất lượng dân số trong tương lai', ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội luôn là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Tọa đàm “Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức đã một lần nữa đánh giá tầm quan trọng đặc biệt của việc nâng cao chất lượng dân số theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TƯ, những thách thức đặt ra, đồng thời tìm ra giải pháp khả thi để nâng cao chất lượng dân số.
Chất lượng dân số Việt Nam chưa cao?
Đánh giá về chất lượng dân số của Việt Nam tăng cao trong những năm qua, ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đánh giá Việt Nam thuộc nhóm có chỉ số trung bình cao, ngang bằng những nước có thu nhập cao trong khu vực và thế giới. Tuổi thọ dân số Việt Nam đã đạt mức xấp xỉ 74 tuổi, khá cao so với các nước trong khu vực.
Các chỉ số về chiều cao, cân nặng, thể chất, thể lực... của dân số Việt Nam liên tục tăng cao trong nhiều năm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng ở thể thấp còi ở trẻ em liên tục được cải thiện... “Kết quả này đã vượt qua kỳ vọng và yêu cầu về chất lượng dân số để đất nước có thể phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, để bảo đảm mục tiêu chất lượng dân số trong thời kỳ hội nhập, chúng ta cần chú trọng hơn nữa việc thực hiện các mục tiêu của công tác dân số”, ông Tân nói.
Đứng từ góc độ khác, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Việt Nam đã đạt ngưỡng 100 triệu dân, chất lượng dân số đã nâng lên rất nhiều nửa thế kỷ qua, nhưng chất lượng dân số này so với yêu cầu thực tiễn cuộc sống, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập thì rất đáng suy nghĩ.
“Cơ cấu chất lượng dân số theo vùng miền tại Việt Nam còn nhiều vấn đề. Đặc biệt, tại các vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, do điều kiện địa lý nên gặp rào cản lớn trong sinh đẻ, tỷ lệ mất sau sinh còn cao, chênh lệch giới tính lớn. Nếu như năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 112 bé trai/100 bé gái, nhưng năm 2018, tỷ số này tăng cao lên gần 115 bé trai/100 bé gái”, ông Lợi cho hay. Sự can thiệp của khoa học kỹ thuật hiện đại cũng phát sinh nhiều vấn đề như sinh con theo ý muốn dẫn đến mức sinh không đạt mức sinh tự nhiên, mất cân bằng giới tính khi sinh.
Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thách thức mới đặt ra trong công tác nâng cao chất lượng dân số hiện nay là: chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp, chậm được cải thiện… các mục tiêu trong Nghị quyết 21/NQ-TƯ ngày 25-10-2017 về công tác dân số trong tình hình mới, chưa đáp ứng.
Đặc biệt, thời kỳ dân số vàng với già hóa dân số diễn ra gần như cùng lúc. Do đó, giai đoạn dân số vàng của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các nước khác, chỉ vào khoảng 17 năm (tới khoảng năm 2025). Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. “Cơ cấu dân số vàng Việt Nam mới chỉ có nghĩa là dân số trong độ tuổi từ 15 – 64 tuổi, mới chỉ mang lại khả năng và cơ hội chứ chưa phải là đã đem lại kết quả ngay cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Dân số vàng mới chỉ là “vàng” về số lượng chứ chưa xét đến chất lượng”, ông Phương cho hay.
Một trong những vấn đề nóng của ngành dân số hiện nay là mô hình tổ chức, bộ máy làm công tác dân số, kinh phí cho công tác dân số ngân sách của Trung ương lại giảm mạnh. Thậm chí, năm 2018 chỉ còn 289 tỷ đồng, tức là chỉ bằng gần 30% so với năm 2012. Bộ máy dân số cấp huyện trở xuống đang bị “teo lại” và nảy sinh gây nhiều khó khăn trong về triển khai công tác dân số. Trong khi đó, Nghị quyết 21 năm 2017 đặt ra tới sáu nhóm mục tiêu, bao gồm 24 chỉ tiêu cụ thể, rất nhiều công việc cần phải triển khai.
Đã có 44 tỉnh với thực hiện nhập Trung tâm dân số vào Trung tâm y tế huyện đa chức năng, tuy nhiên mô hình tổ chức còn khác nhau, phương thức quản lý không thống nhất, kinh phí đầu tư giảm mạnh đã làm ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ dân số cơ sở làm giảm hiệu quả hoạt động và kết quả thực hiện kế hoạch năm 2019.
Cần sớm ban hành Luật Dân số
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, muốn chuyển biến theo tinh thần của Nghị quyết 21 thành hành động, chuyển biến nhận thức của các tổ chức Đảng trong từng cơ sở thì cần sớm phải sửa đổi chính sách, trước mắt là phải ban hành được Luật Dân số.
“Phải coi nâng cao chất lượng dân số như vấn đề hết sức bức bách. Rất mong các nhà dân số học, Tổng cục Dân số phải quay lại nghiên cứu, đưa Luật Dân số trình lên Quốc hội. Nếu làm được luật, xây dựng được cơ chế chính sách phát triển dân số, không phải tăng dân số, cho phép sinh quá giới hạn mà là tăng chất lượng dân số. Chúng ta luôn phải giữ được mức sinh thay thế. Đây là yếu tố có tính chất quyết định, là công cụ để phát triển dân số”, ông Lợi nói.
PGS, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Nước ta hàng năm có khoảng 1,4 triệu người kết hôn, 1,6 triệu ca sinh. Do đó, PGS, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng, Chính phủ, Quốc hội cần coi việc sàng lọc bào thai, sàng lọc sơ sinh và những bệnh lý cơ bản nên đưa vào nội dung bao phủ trong chương trình của bảo hiểm y tế.
“Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong một năm đã phát hiện ra gần 1.000 trường hợp bắt buộc phải đình chỉ thai nghén. Bên cạnh đó, với những trường hợp lạm dụng sàng lọc để sàng lọc giới tính, sàng lọc về phôi thì cần đưa ra giải pháp, phải đưa vào Luật Dân số để khống chế việc mất cân bằng giới tính”, ông Ánh chia sẻ.