Cần có mức giảm trừ hợp lý
Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2020 - 2024 tổng thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng 72%, từ 115.000 tỷ đồng lên 19.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người trong cùng kỳ tăng 30,2%, từ 3.548 USD/năm lên 4.622 USD/năm. Lạm phát trung bình hàng năm dao động từ 0,81 - 4,16%, trong đó mức cao nhất vào năm 2023 là 4,16% và thấp nhất vào năm 2021 ở mức 0,81%.
Về lạm phát, giai đoạn 2020 - 2024 là khoảng 12,58%, so với kỳ gốc 2020, mức tăng khoảng 28%. Điều này có nghĩa là dù thu nhập bình quân đầu người có tăng tới 30,2% nhưng sức mua thực tế có thể không tăng tương ứng. Đặc biệt, trong giai đoạn này, tốc độ tăng thuế thu nhập cá nhân không chỉ nhanh hơn thu nhập bình quân đầu người mà còn không phản ánh đúng sự thay đổi của thu nhập thực tế.
Từ những phân tích này cho thấy cần xem xét lại mức giảm trừ gia cảnh để bảo đảm chính sách thuế công bằng, phù hợp thực tiễn và mức sống của người lao động - một chuyên gia nêu quan điểm. Thực tế, đề nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đã nhiều lần được đề ra. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài chính vẫn là chưa thể thực hiện bởi các lý do như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động chưa tới 20%. Lý do nữa là mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay đang cao hơn 2,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến các nước đang áp dụng từ 0,5 - 1 lần...
Mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu là rõ ràng khi không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, của giá cả, lạm phát. Bên cạnh đó, bậc thuế quá nhiều và khoảng cách giữa các bậc thuế trong biểu lũy tiến từng phần quá dày đã gây áp lực, tạo gánh nặng thuế. Đây là những bất cập lớn nhất của chính sách thuế thu nhập cá nhân nên không thể trì hoãn thêm việc sửa đổi.
Đáng mừng là mới đây, Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân đã đặt vấn đề nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc nhằm bảo đảm phù hợp với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng và các chỉ số kinh tế vĩ mô những năm gần đây. Đồng thời góp phần giảm gánh nặng cho người nộp thuế… Dù vậy, đây mới là khâu xây dựng đề cương nên chỉ tập trung làm rõ những vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Nội dung chi tiết và đánh giá cụ thể sẽ được nghiên cứu, đề xuất khi được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Thuế, phí, lệ phí là công cụ của nhà nước góp phần quản lý, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, động viên các nguồn lực bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững. Thuế thu nhập cá nhân là một trong 9 loại thuế, đóng góp hơn 198.000 tỷ đồng trong tổng thu ước tính hơn 1,9 triệu tỷ đồng năm 2024, chiếm khoảng 10% tổng thu.
Tuy nhiên, trong Quyết định số 508/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã xác định rõ là hoàn thiện, đồng bộ hệ thống chính sách thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế theo thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Cho nên, như ý kiến của một chuyên gia, phải bảo đảm sau khi nộp thuế thu nhập cá nhân, người nộp thuế vẫn đủ để trang trải cuộc sống ở mức trung bình. Để làm được điều, vấn đề là phải xác định mức giảm trừ hợp lý khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, qua đó bảo đảm công bằng trong điều tiết thu nhập dân cư cũng như đời sống của người nộp thuế.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-co-muc-giam-tru-hop-ly-post410749.html