Cần có những giải pháp đồng bộ nhằm quản lý hiệu quả việc khai thác khoáng sản

Để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, nhất là cát, đất ở các địa phương; xử lý ổn định tình hình tại các điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép, Báo Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Thái - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Cần có những giải pháp đồng bộ n

Kết luận tại Báo cáo Kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 vừa được gửi đến Quốc hội cho thấy còn tình trạng khai thác khoáng sản, tài nguyên không phép; cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chưa ký hợp đồng cho thuê đất. Cụ thể, tại Bình Thuận, trong năm 2017 và 2018, Công ty TNHH Thông Thuận đã tiến hành khai thác đất làm gạch không có giấy phép với tổng khối lượng khoáng sản khai thác trái phép trong 2 năm là 49.678 m3 (theo số liệu công ty kê khai, nộp thuế tài nguyên tại Cục Thuế), tương đương giá trị khoáng sản khai thác không phép Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tạm xác định là 3,6 tỷ đồng. Trước đó, KTNN đã phát hiện tình trạng khai thác trái phép trong các năm từ 2013 đến 2016 và có kiến nghị, nhưng đến nay UBND tỉnh Bình Thuận chưa xử lý dứt điểm. Ông có thể cho biết rõ hơn về thực trạng này? Hướng khắc phục như thế nào?

Ông Đỗ Văn Thái: Sau khi có kết luật của Kiểm toán Nhà nước, liên quan đến vụ việc vi phạm của Công ty TNHH Thông Thuận nói trên, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp, Cục Thuế tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Phòng Cảnh sát Môi trường và UBND huyện Bắc Bình lập đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động khai thác khoáng sản không có giấy phép của công ty và tiến hành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, hành vi vi phạm của công ty được phát hiện qua thông tin công ty kê khai và nộp thuế tại Cục Thuế tỉnh, các diện tích khai thác hầu hết đã diễn ra từ lâu, được san bằng và đang canh tác làm ruộng lúa, làm thanh long của người dân (do công ty hợp đồng cải tạo ruộng đất với các hộ dân).

Vì vậy, để có đầy đủ cơ sở pháp lý xác định khối lượng sét của công ty đã khai thác và sử dụng, đoàn kiểm tra đã nhiều lần mời công ty làm việc (công ty lấy nhiều lý do để vắng họp) và tiến hành kiểm tra thực tế tình hình sản xuất gạch tại nhà máy của công ty; làm việc với UBND xã Bình An và 5 hộ dân hợp đồng cải tạo đồng ruộng với công ty; xin ý kiến hướng dẫn của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến hướng dẫn của Bộ Tư pháp để làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh xử lý.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, đến tháng 9/2019, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường củng cố hồ sơ và chuyển toàn bộ vụ việc qua Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh xem xét, xử lý hình sự theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Theo ông cần có những giải pháp căn cơ nào nhằm quản lý hiệu quả vấn đề khai thác khoáng sản có phép lẫn trái phép?

Ông Đỗ Văn Thái: Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, nhất là cát, đất ở các địa phương; xử lý ổn định tình hình tại các điểm nóng thì các sở, ngành, lực lượng chức năng và các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm. Đó là thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trái phép. Đặc biệt là trách nhiệm của các ngành, các cấp theo Quyết định số 03/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành quy định quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm không để phát sinh điểm nóng tại địa phương; đảm bảo cung cầu khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình trọng điểm, cho nền kinh tế, không để phát sinh tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, làm giá, lũng đoạn thị trường.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã, huyện phải vào cuộc quyết liệt, phát huy vai trò cấp cơ sở, nhất là cấp xã trong quản lý khoáng sản; kiểm tra, kiểm soát, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trái phép; chỉ đạo cán bộ phải gương mẫu, không để xảy ra trường hợp can thiệp công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng. Kiên quyết xóa bỏ các bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn. Địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu và xử lý các hành vi vi phạm theo đúng pháp luật.

Đối với chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần xem xét xử lý hình sự khi đã đủ điều kiện đối với các đối tượng manh động, vi phạm nhiều lần để tăng tính răn đe nhằm hạn chế hiệu quả tình trạng khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trái phép. Củng cố, kiện toàn các ban chỉ đạo, tổ liên ngành kiểm tra, kiểm soát, xử lý khai thác khoáng sản trái phép; nắm cụ thể các khu vực, các điểm nóng trên địa bàn, nhất là các vị trí tập kết vật liệu xây dựng trái phép. Trên cơ sở đó, lập danh sách các đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn và xây dựng kế hoạch cụ thể từng khu vực, từng xã để tuyên truyền, vận động, đấu tranh với các đối tượng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép. Đề xuất đưa các khu vực mỏ khoáng sản thuộc địa bàn quản lý vào kế hoạch đấu giá. Nếu cần điều chỉnh mỏ khoáng sản từ quy hoạch dự trữ sang quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản phục vụ công trình trọng điểm, các huyện báo cáo Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, tổng hợp, tham mưu đề xuất UBND tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm đáp ứng nhu cầu của địa phương. Đối với các mỏ đã được UBND tỉnh công nhận kết quả trúng đấu giá, phải đôn đốc để triển khai phục vụ nhu cầu thị trường. Tập trung rà soát các mỏ chậm triển khai để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có); đối với mỏ chậm nhưng không có lý do chính đáng, tham mưu UBND tỉnh thu hồi lại dự án để đưa mỏ ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho đơn vị khác có năng lực thực hiện theo đúng quy định của Luật Khoáng sản. Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý có hiệu quả các điểm nóng, các hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ trái phép. Tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp huyện, cấp xã, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép mà không xử lý, có hiện tượng buông lỏng

Về phía Công an tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và công an cấp huyện tăng cường mở các chuyên án đấu tranh hoạt động khai thác, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản vật liệu xây dựng trái phép. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là các đối tượng vi phạm nhiều lần, chống người thi hành công vụ… nếu đủ điều kiện thì khẩn trương chuyển sang xử lý hình sự để tăng tính răn đe...

Đối với việc sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trong các công trình có nguồn vốn ngân sách, yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm giám sát đơn vị thi công trong quá trình triển khai xây dựng các công trình có nguồn vốn ngân sách, trong đó: Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh lưu ý khi thanh quyết toán công trình phải yêu cầu chứng từ về nguồn gốc vật liệu xây dựng sử dụng khi được phê duyệt dự toán đầu tư và phê duyệt công trình theo quy định; nếu phát hiện có sự thay đổi trên các hóa đơn thanh quyết toán đối với vật liệu đất, đá, cát xây dựng phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý theo quy định.

Rất cám ơn ông

Quang Tuấn (thực hiện)

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/can-co-nhung-giai-phap-dong-bo-nham-quan-ly-hieu-qua-viec-khai-thac-khoang-san-129645.html