Tiếp thu ý kiến sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp với thực tế
Sau khi Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương về dự án 1 luật sửa 7 luật, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Cục Quản lý công sản đã tiếp thu các ý kiến góp ý, giải trình và hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Nhiều ý kiến đã được giải trình và tiếp thu
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) phải tập trung vào những vấn đề bất cập, có tác động tức thì. Theo đó, những nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật đã bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án, trong đó có chính sách về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng TSC với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Dự thảo Luật đã được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương. Đa số các ý kiến đều thống nhất với các quy định được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo, đồng thời có đưa thêm ý kiến góp ý giúp cho việc thực hiện được dễ dàng khi Luật có hiệu lực. Đơn cử như UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị xem xét thêm các nội dung như: Bổ sung cụm từ “việc áp dụng hình thức điều chuyển TSC chỉ khi xác định được cơ quan, đơn vị tiếp nhận quản lý, sử dụng TSC đó” vào sau khoản 2 Điều 40. Đồng thời, đề nghị bỏ hình thức “Sử dụng TSC để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao” tại khoản 4 Điều này. Lý do được UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 không có hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT). Theo đó tương ứng cũng xem xét bãi bỏ Điều 44.
Về ý kiến này, Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính cho biết, việc quy định hình thức điều chuyển TSC chỉ khi xác định được cơ quan, đơn vị tiếp nhận quản lý, sử dụng TSC có thể được hướng dẫn tại nghị định quy định chi tiết. Vì vậy, đề nghị không đưa vào nội dung sử đổi Luật. Ngoài ra, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang được giao xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT, trong đó có Luật Đầu tư theo phương thước đối tác công tư. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất tiếp tục áp dụng loại hình thức hợp đồng BT. Vì vậy, đề nghị cho giữ như Luật Quản lý, sử dụng TSC hiện hành.
Còn theo UBND tỉnh Hà Nam, tại dự thảo Luật có nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 40 đó là “hình thức bán không được áp dụng đối với TSC là trụ sở làm việc”. Để đảm bảo thống nhất cách hiểu khi áp dụng đối với các loại hình cơ quan, đơn vị khác nhau, tỉnh Hà Nam đề nghị bổ sung quy định không áp dụng hình thức bán đối với TSC là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tiếp thu ý kiến của tỉnh Hà Nam, Cục Quản lý công sản đã hoàn thiện dự thảo thành: “Hình thức bán không được sáp dụng đối với TSC là đất, tài sản gắn liền với đất”.
Bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản
Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, để Luật Quản lý, sử dụng TSC sửa đổi đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, tại dự thảo Luật sửa đổi, Bộ Tài chính cũng chú trọng đến việc sửa đổi chính sách về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng TSC với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Lý giải sâu hơn cho vấn đề này, theo ông Nguyễn Tân Thịnh, việc sửa đổi chính sách là để bảo đảm tính thống nhất giữa các pháp luật vì Luật Quản lý, sử dụng TSC hiện hành chưa có quy định cụ thể ranh giới giữa việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng TSC với các văn bản quy phạm pháp luật khác về việc thực hiện quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài sản từ đất đai, tài nguyên.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, thực tế, Quốc hội đã ban hành các luật quy định cụ thể về chế độ quản lý, sử dụng đối với đất đai, tài nguyên, như: Luật Đất đai năm 2024 quy định về chế độ quản lý và sử dụng đất đai; Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Luật Lâm nghiệp năm 2017... Theo đó, Bộ Tài chính đã bổ sung quy định các nội dung khác về quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên được thực hiện theo quy định của pháp Luật về đất đai, tài nguyên và pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất giữa các pháp luật. Việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Việc quản lý, sử dụng TSC tại doanh nghiệp được thực hiện theo các quy định có liên quan, không phải thực hiện sắp xếp lại theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC (bổ sung khoản 4 Điều 113, khoản 3 Điều 120, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 65, khoản 1 Điều 66, khoản 1 Điều 98, khoản 2 Điều 99).
Hơn nữa, việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp như hiện nay làm phát sinh thủ tục hành chính; hạn chế tính chủ động của doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất của doanh nghiệp để phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về việc phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất tại doanh nghiệp. Theo Bộ Tài chính, việc bỏ quy định này sẽ tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất để phục vụ sản xuất, kinh doanh của mình, trường hợp Nhà nước cần thu hồi thì có thể thực hiện được ngay mà không phải làm quy trình sắp xếp, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng bộ giữa luật với các văn bản quy phạm pháp luật
Để Luật Quản lý, sử dụng TSC sửa đổi đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, tại dự thảo Luật sửa đổi, Bộ Tài chính cũng chú trọng đến việc sửa đổi chính sách về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng TSC với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính.