Cần có quy định phù hợp về nhóm đối tượng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Bàn về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung bày tỏ băn khoăn về quy định mở rộng đối tượng lao động hưởng lương (ký hợp đồng hoặc không ký hợp đồng lao động) đủ một tháng trở lên đều phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) nêu rõ: “Tôi cho rằng, quy định như vậy tính khả thi không cao. Vì hiện nay có rất nhiều loại hình lao động đặc thù, có thể chỉ làm trong một tháng, ví dụ như nhân viên quán ăn, nhà hàng, họ chỉ thỏa thuận miệng làm trong một thời gian, một tháng, có khi không đủ một tháng hoặc có khi hơn rồi nghỉ. Nếu đưa đối tượng này vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì rất khó khả thi”.

Quay lại khái niệm, định nghĩa về bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì, Đại biểu nhận thấy, đây là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Nếu quy định như vậy thì ai không tham gia nghĩa là vi phạm pháp luật và cần phải có chế tài. Do đó, theo Đại biểu, để khuyến khích cũng như mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đề nghị nâng thời gian đối tượng lao động có hưởng lương là 6 tháng trở lên và phải có hợp đồng thì mới có cơ sở để thực hiện và đóng bảo hiểm.

 Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung.

Chẳng hạn, hiện có nhiều trường hợp người lao động làm nhiều thời gian nhưng không có hợp đồng, chỉ là trao đổi miệng với nhau và thực tế hiện nay trong thị trường lao động có rất nhiều trường hợp như vậy. Và không thể có một công cụ, cơ quan nào để quản lý hết những trường hợp này.

“Vì vậy, tôi đề nghị nâng thời gian lên và điều kiện là có ký kết hợp đồng. Đồng thời bổ sung người lao động mất việc trong một khoảng thời gian hoặc tạm thời dừng hợp đồng thì họ sẽ tham gia bảo hiểm tự nguyện, có nghĩa là họ có quyền gián đoạn bảo hiểm xã hội bắt buộc. Còn nếu người lao động có điều kiện thì họ vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm, khuyến khích đảm bảo liên tục”, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nói.

Từ những phân tích nêu trên, nữ Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định như vậy để khuyến khích người lao động trong thời gian dừng việc hoặc mất việc làm trong giai đoạn ngắn thì có thể chuyển sang tham gia bảo hiểm tự nguyện. Tức là người lao động có thể tham gia tự nguyện bằng mức lương mà họ vừa rời khỏi nơi làm việc. Quy định như vậy sẽ phù hợp và khả thi hơn.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung góp ý thêm: “Đối với việc mở rộng đối tượng là chủ hộ kinh doanh, tôi nhận thấy, hiện loại hình chủ hộ kinh doanh có đăng ký và không đăng ký, nếu tham gia bảo hiểm bắt buộc thì họ đóng trọn vẹn. Tôi băn khoăn căn cứ vào đâu để lấy mức tối thiểu cho các chủ hộ kinh doanh này đóng bảo hiểm, trong khi họ không có lương, thu nhập đó có thể là kinh doanh buôn bán, có thể là những quầy tạp hóa, quầy nước, những cửa hàng ăn uống… Như vậy, không có cơ sở để xác định một tháng doanh thu của chủ hộ đó để có thể đóng bảo hiểm. Hiện nay, các hộ này nộp thuế môn bài, theo hình thức khoán. Bây giờ nếu đóng bảo hiểm bắt buộc thì chúng ta phải có cơ sở tính mức tối thiểu doanh thu để các chủ hộ kinh doanh đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, mỗi hộ có thu nhập khác nhau, quan trọng là cơ sở nào chúng ta xác định được doanh thu để bắt buộc các chủ hộ kinh doanh đóng?”.

 Toàn cảnh Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đại biểu cho rằng, chúng ta nên khuyến khích, vận động người dân tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện. Với xu hướng sắp tới, bằng sự điều tiết, quản lý nhà nước, chúng ta nên vận động xã hội, khuyến khích bằng những chính sách thực tế để người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện, như vậy mới mang tính khả thi chứ không thể mang tính bắt buộc.

Bên cạnh đó, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung bày tỏ tán đồng việc xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. “Tôi thấy rằng, đã đưa ra trách nhiệm cũng như quyền của cơ quan bảo hiểm là có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi người sử dụng lao động trốn đóng hoặc chậm đóng. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều trường hợp là chủ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng nhưng chỉ xử phạt hành chính, có khi doanh nghiệp đó lại giải thể hoặc phá sản. Rất nhiều trường hợp quyền lợi của người lao động không được đảm bảo. Do đó, quyền khởi kiện này cũng đúng và phù hợp với Bộ luật Tố tụng dân sự ở Điều 187 là các cơ quan trong phạm vi quản lý, trách nhiệm quản lý nhà nước của mình mà ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của những đối tượng đang bảo vệ thì có quyền khởi kiện”, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung bày tỏ.

Mặc dù đồng ý với quy định này nhưng Đại biểu cũng lưu ý đề nghị cần làm rõ hành vi này trong tố tụng dân sự cũng như trong các quy định pháp luật có liên quan để không bị lạm dụng. Chẳng hạn như một doanh nghiệp vì một lý do bất khả kháng nào đó chậm đóng mà lại khởi kiện thì sẽ gây áp lực thêm cho các cơ quan tố tụng… Đồng thời, cần có một hành lang pháp lý chặt chẽ, trình tự, thủ tục tố tụng nào, trường hợp nào mới được khởi kiện, như vậy pháp luật của chúng ta mới rõ ràng và đồng bộ, thống nhất.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-co-quy-dinh-phu-hop-ve-nhom-doi-tuong-lao-dong-phai-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-bat-buoc-post273842.html