Cần có quy định rõ về vẽ cờ Tổ quốc để trang trí

'Hình ảnh quốc kỳ không chỉ đơn thuần là một biểu tượng quốc gia mà còn là hiện thân của lòng tự hào, của tinh thần đoàn kết và của lịch sử dân tộc. Việc sử dụng hình ảnh này, dù ở bất kỳ hình thức nào cũng đòi hỏi sự tôn trọng và cẩn trọng đặc biệt', nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ nói.

Trào lưu vẽ cờ Tổ quốc thể hiện lòng yêu nước

Những ngày qua, trên khắp các nền tảng mạng xã hội, người Việt rủ nhau hưởng ứng làn sóng vẽ cờ Tổ quốc lên mái nhà. Tại nhiều diễn đàn, các bài đăng giới thiệu về trend này thu hút hàng nghìn lượt tương tác. Các video được gắn hashtag (thẻ) #cotoquoc, #vecotoquoc… trên các nền tảng mạng xã hội nhận về sự quan tâm lớn và liên tục được chia sẻ.

Người bắt đầu trào lưu ý nghĩa kể trên là Lê Quang Vũ (29 tuổi) hiện sống ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi xây xong căn nhà tặng bố mẹ, thấy mái lợp tôn đỏ, anh nảy ra ý tưởng vẽ ngôi sao vàng 5 cánh lên trên, tạo thành hình lá cờ Tổ quốc có diện tích 150m2.

Trào lưu vẽ cờ Tổ quốc được đông đảo người dân hưởng ứng.

Trào lưu vẽ cờ Tổ quốc được đông đảo người dân hưởng ứng.

Từ cuối tháng 7, rất đông người hưởng ứng việc "treo" một lá cờ lên nóc nhà với mong muốn thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và chào mừng ngày Quốc khánh 2/9.

Người dân ở nhiều tỉnh, thành từ Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội cho đến Đà Nẵng, Ninh Thuận, TPHCM… đã họa lên mái ngói, mái lợp fibro xi măng của gia đình. Một số khác còn vẽ hình cờ Tổ quốc lên cửa cuốn, tường nhà…

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhìn nhận, đây là một trào lưu rất đáng hoan nghênh, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần dân tộc của giới trẻ ngày nay. Đây là cách thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và tự hào dân tộc, đặc biệt trong các dịp lễ lớn hoặc sự kiện quan trọng. Hành động này cũng góp phần lan tỏa hình ảnh quốc gia ra cộng đồng quốc tế, tạo nên một cảm giác gắn kết trong xã hội.

Tuy nhiên ông Túc lưu ý, sự sáng tạo rất đáng quý, nhưng hãy giữ vững sự trang nghiêm của quốc kỳ. Đừng để niềm vui của bản thân làm lu mờ giá trị thiêng liêng mà lá cờ mang lại. Chọn lựa những vị trí, chất liệu phù hợp để những lá cờ đó không chỉ đẹp trong mắt bạn mà còn bền vững theo thời gian, mãi mãi là niềm tự hào.

Để trào lưu không gây ra hiệu ứng tiêu cực

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, không thể phủ nhận hàng loạt video về hình ảnh quốc kỳ trên xu hướng các mạng xã hội khiến tình yêu quê hương đất nước của người dân được nhân lên gấp bội, liên tục truyền cảm hứng. Tuy nhiên, cảnh báo việc sơn, vẽ cờ Tổ quốc cần được thực hiện một cách kỹ càng để không biến trào lưu thành một nguy cơ gây ra hiệu ứng tiêu cực.

Lý do, theo nhà nghiên cứu văn Hóa Nguyễn Hùng Vĩ, những bức tranh này hoàn toàn có thể bị hư hại theo thời gian, do ảnh hưởng của thời tiết hoặc không thường xuyên tu sửa đúng cách. Trường hợp bị hư hỏng, xuống cấp theo thời gian thì cần phải tu sửa như thế nào. Bởi đây là hình ảnh linh thiêng, không được phép xảy ra những lỗi sai như hình ảnh không rõ nét, không đầy đủ, sai kích cỡ, vị trí không trang trọng...

Biểu tượng quốc kỳ cũng có quy chuẩn nhất định, nếu không tuân thủ đúng chuẩn mực, hành động vẽ, sơn cờ này có thể bị coi là thiếu tôn trọng quốc kỳ. Việc sử dụng sơn không thân thiện với môi trường có thể gây hại đến môi trường sống và sức khỏe con người. Để phát huy mặt tích cực, cần có sự quản lý và ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ biểu tượng quốc gia.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia chỉ ra rằng, trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật đã quy định chặt chẽ về việc treo quốc kỳ - một biểu tượng thiêng liêng của quốc gia - nhưng các hình thức thể hiện mới như vẽ, sơn trên các bề mặt khác nhau lại chưa được điều chỉnh rõ ràng. Điều này tạo ra một khoảng trống pháp lý và quản lý văn hóa, khiến những hành động xuất phát từ lòng yêu nước có thể vô tình trở thành những biểu hiện không phù hợp hoặc thiếu tôn nghiêm.

"Hình ảnh quốc kỳ không chỉ đơn thuần là một biểu tượng quốc gia mà còn là hiện thân của lòng tự hào, của tinh thần đoàn kết và của lịch sử dân tộc. Việc sử dụng hình ảnh này, dù ở bất kỳ hình thức nào, cũng đòi hỏi một sự tôn trọng và cẩn trọng đặc biệt.

Do vậy cần có ngay các quy định rõ ràng về pháp lý như các vị trí được phép vẽ quốc kỳ, tỉ lệ bao nhiêu, quy định về quá trình bảo quản hình vẽ như thế nào để tránh làm tùy tiện, làm giảm giá trị của biểu tượng mang tính trường tồn, linh thiêng vĩnh cửu. Tuy nhiên cũng không nên quá khắt khe với trào lưu này bởi nó thể hiện lòng yêu nước và tự hào dân tộc rất rõ nét, đặc biệt là trong giới trẻ hiện nay", nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nói.

Vẽ lá cờ Tổ Quốc như thế nào cho đúng?

Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

Theo đó, Quốc kỳ Việt Nam sẽ có hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Trên thực tế, có một số kích thước tiêu biểu của cờ Tổ Quốc như: 60 x 90cm, 70 x 105cm, 80 x 120cm, 90 x 140cm, 120 x 180cm, 140 x 210cm. Kích thước khổ lớn của cờ Tổ Quốc gồm: 2 x 3m, 4 x 6m, 6 x 9m....

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-co-quy-dinh-ro-ve-ve-co-to-quoc-de-trang-tri-169240819095404537.htm