Cần có riêng một chiến lược Olympic

Nói đến thể thao đỉnh cao là phải nói đến thành tích, huy chương. Việc chuyển hướng từ đầu tư dàn trải sang tập trung trọng điểm, mũi nhọn của ngành Thể thao là đúng đắn, nhưng đến lúc phải xem lại công thức “3 trong 1”: lấy SEA Games để “vươn tầm Asiad, tấn công Olympic”. Bởi nó chỉ đúng 1 vế, đó là chinh phục đấu trường khu vực để bước ra châu lục.

Qua 41 năm với 11 kỳ Olympic, thể thao Việt Nam chỉ có 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ

Qua 41 năm với 11 kỳ Olympic, thể thao Việt Nam chỉ có 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ

Lấy ví dụ, nhờ tập trung đầu tư vào 2 môn Olympic cơ bản, điền kinh Việt Nam đã soán ngôi Thái Lan ở Đông Nam Á, tại SEA Games 30 mang về tới 16 HCV; còn bơi lội là 11 HCV. Đó là tiền đề để có 2 HCV Asiad điền kinh (nhảy xa và 400m rào nữ), 1 HCB, 1 HCĐ bơi lội (Nguyễn Huy Hoàng). Tuy nhiên, đây là 2 môn chúng ta hoàn toàn không có cửa ở tầm thế giới khi chỉ một sải chân, sải tay của đối thủ đã bằng gấp đôi, gấp 3 bước chạy, cú rướn của VĐV mình.

Trên thực tế, thể thao Việt Nam hướng tới Olympic chỉ với mục tiêu “giành suất tham dự” chứ chưa phải để tranh chấp thành tích. Đã đến lúc cần có một chiến lược tiếp cận mới, một đề án riêng cho Thế vận hội mà phương châm “đi tắt, đón đầu” xem ra là phù hợp trong trường hợp này.

Trước hết, cần xác định môn nào trong chương trình Olympic có thể tranh chấp huy chương? Rõ ràng đối với các môn thi mà thành tích được xác định bằng các thông số đo lường (chiều cao, chiều dài, thời gian...), hoặc đối kháng trực tiếp mà ưu thế thuộc về thể chất, thể hình (như: vật, judo, bóng rổ…), khả năng nếu có là chuyện tương lai rất xa. Hầu hết trong 13 tấm huy chương 4 nước Đông Nam Á giành được tại Olympic 2020 vừa qua đều tập trung vào các môn: cử tạ, boxing, taekwondo (hạng cân nhẹ) và cầu lông. Đây cũng là 4 môn và nội dung phù hợp với thể trạng, thể thao Việt Nam cần tập trung. Ngoài ra, các môn có thể nhắm đến là bắn súng, bắn cung, bóng bàn, cầu lông, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, trong các môn võ thì khả thi nhất là taekwondo (hạng cân nhẹ), kể cả có thể nghĩ tới nhảy cầu, thể dục nghệ thuật đòi hỏi sự khéo léo, khổ luyện mà người Việt Nam không thiếu.

Vấn đề tiếp đó, mang tính quyết định, là một chiến lược đầu tư đúng mức, có hệ thống và quy trình khoa học: phát hiện - đào tạo - sàng lọc - thi đấu. Giành huy chương Olympic là thành quả của sự chuẩn bị đến 10-15 năm, thậm chí hơn. Nếu bắt tay ngay từ bây giờ, may ra chúng ta mới có thể “tấn công” Olympic Brisbane, Australia 2032; còn Paris 2024 và Los Angeles 2028 đã không còn kịp.

Đông Kha

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202108/can-co-rieng-mot-chien-luoc-olympic-3072746/