Cần có sự đánh giá thực hiện cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp Nhà nước
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức hội thảo 'Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước: Thực hiện 2011-2020 và kiến nghị quan điểm, phương hướng đến năm 2030.'
Hội thảo “Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước: Thực hiện 2011-2020 và kiến nghị quan điểm, phương hướng đến năm 2030.”. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025, sáng 12/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước: Thực hiện 2011-2020 và kiến nghị quan điểm, phương hướng đến năm 2030.”
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết: "Chúng ta cần đánh giá lại kinh tế Nhà nước cũng như đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp Nhà nước, vai trò đóng góp của kinh tế Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội thực sự có mang lại hiệu quả hay không ? Bên cạnh đó, xem xét hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và quyền tự chủ của họ. Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân thường nói không được đối xử bình đẳng, còn doanh nghiệp Nhà nước cho rằng, các chính sách chưa thực sự phát triển….”
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp, CIEM cho biết, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước đến năm 2020 mục tiêu là: doanh nghiệp Nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn thông qua cổ phần hóa, thoái vốn; hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài…
Đánh giá vai trò của kinh tế Nhà nước giai đoạn 2011-2020, ông Phạm Đức Trung cho rằng, nhìn trên tổng thể kết quả thực hiện, vai trò của kinh tế Nhà nước chưa rõ nét trong việc “dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế và là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế.
Ông Trung cho biết thêm, đối với việc cổ phần hóa, thoái vốn, mặc dù vẫn có thể hoàn thành kế hoạch số lượng cổ phần hóa đến năm 2020 nhưng chắc chắn sẽ không hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng như: thu hút đầu tư xã hội, dẫn tới vẫn phải duy trì cổ phần nhà nước ở mức cao; chưa thể rút vốn Nhà nước để đầu tư vào ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của kinh tế nhà nước, của doanh nghiệp Nhà nước. Và vì vậy, chưa đạt được mục tiêu “doanh nghiệp Nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn”. Vốn Nhà nước còn hiện diện ở hầu hết các ngành kinh doanh trong nền kinh tế.
Ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp, CIEM cũng chỉ ra nguyên nhân chính của tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm chủ yếu là do những tồn tại của thể chế và pháp luật. Về quản lý của chủ sở hữu Nhà nước còn chưa tách bạch giữa quản lý thuộc chức năng sở hữu và quản lý Nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ đối xử bất bình đẳng và hạn chế cạnh tranh trên thực tế.
Bên cạnh đó, chính sách phát triển còn đan xen với chính sách sở hữu của Nhà nước. Ngoài ra, đầu tư Nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ các thành phần kinh tế còn đan xen với đầu tư vốn chủ sở hữu Nhà nước cho doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước.
Chuyên gia kinh tế, ông Lê Xuân Bá cho rằng, trong kinh tế Nhà nước thì khu vực doanh nghiệp Nhà nước là quan trọng nhất song lại kém hiệu quả. Nhưng Nhà nước lại cứ bắt doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đạo. Quan điểm này sai ngay từ đầu, do vậy, chúng ta không nên bị mắc kẹt vào tư duy cũ.
Để nâng cao hiệu quả của kinh tế Nhà nước trong thời gian tới, ông Phạm Đức Trung cho rằng, Việt Nam cần cụ thể vai trò của kinh tế Nhà nước. Theo đó, cần đảm bảo hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ công cần thiết cho mọi hoạt động kinh doanh của các thành phần kinh tế khác; đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và môi trường kinh doanh an toàn cho các chủ thể kinh tế; phân bổ các tài sản sở hữu toàn dân cho các chủ thể kinh tế quản lý, sử dụng theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả…
TS. Trần Tiến Cường, chuyên gia kinh tế cũng cho biết, quan điểm cơ cấu lại nguồn lực đầu tư đối với doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị kinh tế Nhà nước cần có cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với mỗi loại doanh nghiệp.
Theo đó, cần tăng cường sử dụng các chính sách vĩ mô do Nhà nước ban hành thay cho việc sử dụng doanh nghiệp Nhà nước làm công cụ điều tiết vĩ mô; chỉ sử dụng doanh nghiệp Nhà nước như là công cụ hỗ trợ cùng với công cụ chính sách để điều tiết vĩ mô và phải minh bạch hóa, thể chế hóa vai trò này của doanh nghiệp Nhà nước.
“Bên cạnh đó, đặc biệt tăng cường việc giám sát, kiểm toán của chủ sở hữu Nhà nước đối với vốn, tài sản Nhà nước; tăng cường năng lực phân tích, đánh giá, phát hiện, cảnh báo các vấn đề của doanh nghiệp Nhà nước”, TS. Trần Tiến Cường nhấn mạnh./.