Cần có sự đổi mới về tư duy phát triển liên kết vùng

i biểu Quốc hội cho rằng, cần phải có sự đổi mới về tư duy phát triển liên kết vùng. Sự hoàn thiện về thể chế, chính sách là một nội dung quan trọng trong khơi thông nguồn lực cho phát triển vùng.

Tính đến ưu tiên đặc thù để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững

Ngày 2/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại hội trường về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng còn nhiều khó khăn; khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người trong nội vùng so với bình quân cả nước tiếp tục gia tăng; quy mô kinh tế còn khá nhỏ, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng chưa cao, các địa phương trong vùng đều chưa cân đối ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhận thấy, cần phải có sự đổi mới về tư duy phát triển liên kết vùng. Sự hoàn thiện về thể chế, chính sách là một nội dung quan trọng trong khơi thông nguồn lực cho phát triển vùng. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần nhanh chóng cụ thể hóa các chủ trương, định hướng và nghị quyết bằng chương trình, kế hoạch có tính đến ưu tiên đặc thù và có hiệu lực ngay để phát triển kinh tế nhanh và bền vững của vùng.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn).

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, thời gian vừa qua, Quốc hội đã thảo luận và thông qua một số thí điểm cũng như có những chính sách đặc thù cho các địa phương nhằm tạo công cụ pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế và phát triển kinh tế xã hội của một tỉnh, thành phố như: việc xác định bổ sung có mục tiêu, nâng mức dư nợ vay, phân cấp cho địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng sản xuất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, tách dự án bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, chính sách phí và lệ phí…

Điều này cho thấy các quy định hiện hành trong Luật đất đai, Luật ngân sách, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật lâm nghiệp, Luật phí và lệ phí đã không còn phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Đây cũng là nội dung đại biểu Hồ Thị Kim Ngân kiến nghị tại Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất Quốc hội khóa XV.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, phân cấp thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, đất trồng lúa diện tích dưới 20 ha và chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng dưới 30 ha để thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư. Đối với các dự án xây dựng công trình giao thông trọng điểm có chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng cho phép các công trình giao thông quan trọng của địa phương cũng được áp dụng cơ chế đầu tư cho các chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng.

Đẩy nhanh tiến độ, hiện đại hóa mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng

Trong khi đó, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) cũng cho rằng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với nhiều kết quả to lớn, toàn diện: tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, hạ tầng cơ sở, đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế được đầu tư khá đồng bộ, các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa… ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố và vững chắc.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng).

Đề cập đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu tỉnh Cao Bằng cho rằng, đây là Chương trình được cử tri đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt quan tâm, kỳ vọng sẽ đem đến sự chuyển biến sâu sắc về kinh tế- xã hội, tạo sức bật để đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An đề nghị Quốc hội và Chính phủ sớm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đại biểu, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương trong vùng. Nút thắt lớn nhất đối với sự phát triển của vùng là sự yếu và thiếu của hệ thống giao thông kết nối liên vùng. Do vậy, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-co-su-doi-moi-ve-tu-duy-phat-trien-lien-ket-vung-post197560.html