Cần có thêm nhiều điểm giới thiệu sản phẩm OCOP

Với thiết kế bao bì, nhãn mác đẹp, chất lượng tốt, thông tin chỉ dẫn địa lý cụ thể, các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Để sản phẩm này đến với người tiêu dùng, việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn tỉnh là hết sức cần thiết.

 Các sản phẩm OCOP được người dân quan tâm - Ảnh: T.T

Các sản phẩm OCOP được người dân quan tâm - Ảnh: T.T

Hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP ra thị trường

Nhằm chủ động trong việc thực hiện kế hoạch “Xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” và các hoạt động hỗ trợ kết nối thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã giới thiệu trên 30 sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của địa phương có nhu cầu hỗ trợ, kết nối vào siêu thị, chuỗi bán lẻ và tại các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh để tiêu thụ.

Qua tiến hành khảo sát thực tế tại các cơ sở, đánh giá các sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp do các địa phương đề xuất cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc để đưa sản phẩm giới thiệu rộng rãi ra thị trường. Đó là các cơ sở có các sản phẩm OCOP và các cơ sở có các sản phẩm đăng ký tham gia chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2020 trên địa bàn tỉnh còn thiếu các giấy phép, điều kiện tiêu chuẩn theo quy định. Về mặt đóng gói bao bì, nhãn mác hàng hóa, nhiều cơ sở chưa tuân thủ theo các quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa. Mặt khác, các cơ sở trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ nên rất ngại đầu tư các chi phí kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm chi phí mẫu mã sản phẩm theo yêu cầu của nhà phân phối khi đưa vào hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại và tại các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Để giúp các doanh nghiệp, cơ sở có các sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp, TTCN trên địa bàn tỉnh đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hệ thống siêu thị và tại các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Cụ thể là hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm được lựa chọn thực hiện các kiểm nghiệm để đánh giá các tiêu chuẩn về tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm. Hỗ trợ chi phí thiết kế, in ấn nhãn mác bao bì đáp ứng đúng theo các quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ. Bước đầu đã thực hiện đối với các sản phẩm dầu gội đầu, dầu xả, dầu xịt tóc của Công ty TNHH Nhiên Thảo; sản phẩm coffee phin giấy của Công ty TNHH Pun coffee; sản phẩm miến ngũ sắc Loan Hảo thuộc hộ kinh doanh Loan Hảo; các sản phẩm mắm rò Cửa Việt, ruốc Cửa Việt của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thiết; sản phẩm muối cá lá Gia Hân của cơ sở sản xuất Gia Hân, sản phẩm hạt điều Huy Long của Công ty TNHH MTV Lao Bảo Electronics và sản phẩm bột bánh canh tươi của cơ sở bún sạch Vạn Linh.

Từ thực tế hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mặt hàng này chưa có chỗ trưng bày, giới thiệu sản phẩm cũng như các đầu mối tiêu thụ ổn định. Vừa qua, Sở Công thương đã lựa chọn 2 địa điểm hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh gồm Cửa hàng thực phẩm Aoifoods chi nhánh thành phố Đông Hà và chi nhánh tại thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, thuộc Công ty TNHH Aoifoods. Giám đốc Công ty TNHH Aoifoods Lê Hồng Công cho biết: “Qua gần hai năm triển khai giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của địa phương tại hai cơ sở của công ty cho thấy, càng ngày người dân càng quan tâm hơn đến các mặt hàng này, nhất là nhóm mặt hàng nông sản của địa phương. Doanh thu của các sản phẩm OCOP và các mặt hàng nông sản địa phương trong thời gian qua đạt khoảng 1,3 - 1,4 tỉ đồng. Chúng tôi nhận thấy, để thu hút khách hàng tiêu dùng nhiều sản phẩm OCOP thì cần phải chú trọng khâu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, các tiêu chí của sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng như giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn”.

Để sản phẩm OCOP được giới thiệu rộng rãi

Qua hai năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Quảng Trị đã cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn OCOP cho 53 sản phẩm. Việc hình thành các điểm giới thiệu, bán sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề quảng bá sản phẩm OCOP rộng rãi đến người tiêu dùng. Đồng thời tổ chức kết nối giao thương giữa cơ sở sản xuất với đơn vị phân phối nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP. Để người dân tiếp cận và hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của địa phương là cả một quá trình, trong đó công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi ra thị trường có vai trò quan trọng. Đồng thời, các sở, ngành liên quan cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, yêu cầu từ quá trình sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm để thúc hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phát triển.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Công thương đề xuất xây dựng mô hình thí điểm doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu và cung ứng vật tư nông nghiệp phục vụ trồng, chăm sóc và thu hoạch hồ tiêu cho nông dân thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh và mô hình tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo hữu cơ và cung ứng vật tư nông nghiệp phục vụ trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa hữu cơ cho nông dân trên địa bàn huyện Hải Lăng. Ngoài ra xây dựng 3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện hoạt động kết nối các sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào hệ thống các siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại. Để hoàn thành các mục tiêu này, rất cần có sự hỗ trợ nguồn vốn kịp thời từ trung ương để giúp tỉnh mở rộng thêm các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Từ đó làm cơ sở để các hợp tác xã, doanh nghiệp và người nông dân tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=155614