Cần có thêm quy định, hướng dẫn cụ thể trước khi thông qua dự thảo luật
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 6/1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận. Dự họp có các đại biểu Quốc hội đang công tác tại tỉnh Lào Cai.
Dự thảo Luật gồm 10 điều, nhằm mục tiêu tăng cường phân quyền cho các địa phương trong hoạt động đầu tư, đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong triển khai lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thuộc dự án có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; hoạt động quản trị doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; quá trình tổ chức thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi, góp phần tăng tỷ lệ thi hành án về tiền, tạo điều kiện rút ngắn thời gian, giảm bớt các chi phí và xử lý hiệu quả tài sản thi hành án.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội đang công tác tại tỉnh Lào Cai bày tỏ thống nhất cao với các dự thảo Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị và trình Quốc hội xem xét. Các đại biểu cũng bổ sung, làm rõ một số nội dung, điều khoản quy định trong dự thảo Luật, nếu được thông qua sẽ giúp việc thực thi Luật sát thực tế, phù hợp, hiệu quả hơn.
Cụ thể, đại biểu Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng: Trong dự thảo Luật, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư cần nghiên cứu, mở rộng thêm phạm vi, lĩnh vực một số sự án, lĩnh vực chấp thuận đầu tư để làm tốt công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, cũng cần phải làm rõ, cụ thể về quy trình trong cho thuê đất trong trường hợp chấp thuận nhà đầu tư, thủ tục bàn giao đất cho nhà đầu tư. Trường hợp xử lý đất và tài sản gắn liền với đất sau khi chấm dứt hoạt động dự án đầu tư phải có hướng dẫn, quy định cụ thể, sát thực tế.
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đối tác công tư, đồng chí Đặng Xuân Phong cho rằng: Quy định cơ chế chia sẻ giảm doanh thu được quy định từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương với những dự án trung ương chủ trương đầu tư còn gặp một số vướng mắc phát sinh trong thực tế. Cơ quan chuyên môn cần xem xét, có điều chỉnh phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng góp ý một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật. Cụ thể, đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc xử lý rác thải pin từ xe điện; dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đại biểu Lan Anh có ý kiến, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng hiện hành đối với đô thị loại III, IV, nếu khu vực dự án dự kiến có quy mô dân số 100.000 người (tương đương đô thị loại III) thì quy mô sử dụng đất của dự án là khoảng 500-800 ha; nếu khu vực dự án dự kiến có quy mô dân số là 50.000 người (tương đương đô thị loại IV) thì quy mô sử dụng đất của dự án là khoảng 250 - 400 ha. Do vậy, tại điểm g, khoản 2, điều 31 dự thảo Luật, đề nghị chỉnh lại cụm từ “dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người/ha trở lên” thành “dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 250 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên”. Tại Điểm b, khoản 1, điều 32 dự thảo Luật sửa thành “dự án đầu tư có quy mô dử dụng đất dưới 250 ha và quy mô dân số dưới 50.000 người”.
Trong chiều 6/1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.