Cần coi đường sắt đô thị là ngành đặc biệt chiến lược

Nếu không chú trọng phát triển đường sắt đô thị sẽ gây ra những tổn thất rất lớn và không ngừng tăng lên. Việt Nam cần coi đây là ngành đặc biệt chiến lược...

Phát biểu tại Hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội và TP.HCM sáng 17-1, Giáo sư Vũ Minh Khương - Học viện hành chính công Lý Quang Diệu, Singapore đã phân tích về tính cấp bách chiến lược trong phát triển hệ thống đường sắt đô thị ở 2 thành phố này.

Về các lợi ích thiết yếu từ phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD, theo Giáo sư Vũ Minh Khương, ĐSĐT tạo nền tảng xây dựng nền kinh tế với sức cạnh tranh cao dựa trên lợi thế qui mô, đa dạng, và sức mạnh cộng hưởng; Tăng hiệu quả và tính tinh gọn trong phát triển đô thị (giảm sự bức bách phải mở rộng đô thị một cách tràn lan thụ động; Giảm rõ rệt chi phí đầu tư hạ tầng (đặc biệt đường xá, cấp điện-nước-viễn thông; Tăng nhu cầu, hiệu quả, và nguồn thu cho vận tải công cộng);

Việc phát triển ĐSĐT cũng làm giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm khí thải; Tăng năng suất xã hội (giảm chi phí đi lại của người dân, tăng cơ hội việc làm, tăng giá trị của BĐS và cảnh quan đô thị, tăng hiệu quả ngành thương mại bán lẻ và dịch vụ).

Bên cạnh đó, Giáo sư cũng nêu ra những tổn thất rất lớn và không ngừng tăng nếu không chú trọng đặc biệt vào phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Đó là tốn phí thời gian di chuyển, ước tính về thời gian đi lại còn tin cậy, chi phí tiêu hao nhiên liệu vượt mức cần thiết, phát thải CO2 tăng do tiêu thụ nhiên liệu quá mức, sức khỏe và lòng tin của người dân giảm sút (tắc nghẽn giao thông mỗi năm tại Hà Nội và TP. HCM gây tổn thất này ước tính tối thiểu lên đến 2-3 tỷ đồng/ mỗi thành phố).

Phát biểu của Giáo sư Vũ Minh Khương - Học viện hành chính công Lý Quang Diệu, Singapore

Phát biểu của Giáo sư Vũ Minh Khương - Học viện hành chính công Lý Quang Diệu, Singapore

Từ phân tích trên, Giáo sư Vũ Minh Khương đã đưa ra đề xuất về ưu tiên hành động cho Hà Nội và TP. HCM. Trước hết, đó là cần nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và tính cấp bách chiến lược của phát triển. Coi phát triển ĐSĐT là một nhiệm vụ không chỉ có tính kinh tế mà cả an ninh quốc phòng (hệ thống đô thị ngầm);

Đặc biệt, cần chú trọng thu hút sự tham gia sâu rộng của các Bộ, ngành và toàn xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp và chuyên gia trong nước, quốc tế trong thảo luận về chiến lược thực hiện nỗ lực này.

Bên cạnh đó, cần tổ chức thực hiện các chiến lược thông tuệ và phân định tổ chức chịu trách nhiệm rõ ràng. Mỗi thành phố nên bắt tay vào 1-2 tuyến thử nghiệm với các tiêu chí: Tính khả thi cao, tác động lớn, tốn phí thu hồi đất thấp; Thời gian hoàn tất các dự án thử nghiệm trước 2030, chú trọng ba tiêu chí lớn (chất lượng, giá thành, tiến độ thực hiện).

Ngoài ra, cần dốc sức đầu tư vào các nền tảng thiết chế và động lực yểm trợ cho xây dựng và quản lý ĐSĐT như một ngành kinh tế chiến lược.

Việt Nam cần coi đây là ngành đặc biệt chiến lược, không thua kém ngành bán dẫn (đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực; công nghiệp phù trợ, năng lực hợp tác quốc tế, và trình độ quản lý các dự án lớn cần được coi là ưu tiên hàng đầu; huy động đội ngũ tinh nhuệ nhất để tư vấn và hỗ trợ) – Giáo sư Vũ Minh Khương nhấn mạnh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/can-coi-duong-sat-do-thi-la-nganh-dac-biet-chien-luoc-post564607.antd