Căn cứ để công bố dịch Covid-19 theo quy định pháp luật

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2017 quy định mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố. Việc công bố dịch và hết dịch phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

Bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch tại khu vực cách ly trên phố Trúc Bạch. Ảnh: T.Hoa

Theo quy định của Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 28-1-2016, Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của chủ tịch UBND cấp tỉnh khi có ít nhất một người bệnh được chẩn đoán xác định.

Đề nghị của UBND thành phố Hà Nội được gửi đến Bộ Y tế (ngày 7-3-2020) ngay sau khi phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên là N.H.N (nữ, 26 tuổi; địa chỉ tại 125 Trúc Bạch, quận Ba Đình).

Sau trường hợp đầu tiên, đến nay, thành phố đã ghi nhận thêm 3 trường hợp nhiễm khác có liên quan. Ngoài ra, theo thống kê, có 130 người tiếp xúc với trường hợp bệnh nhân đầu tiên; 226 người tiếp xúc với người tiếp xúc với bệnh nhân N. Thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm 53 người và đã có kết quả của 32 người, còn lại đang chờ kết quả; điều tra, khoanh vùng cách ly khu vực ở phường Trúc Bạch 66 hộ gia đình với 189 người.

Sau khi chính thức công bố dịch, sẽ tiếp tục triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên tinh thần chủ động, tích cực, kịp thời và triệt để.

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng đã quy định nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm là lấy phòng bệnh là chính, trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu; kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Thành phố sẽ thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Việc phòng, chống dịch được thực hiện công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch.

Ngày 29-1, Bộ Y tế đã có Quyết định số 219/QĐ-BYT về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Tại Quyết định công bố dịch, Thủ tướng Chính phủ đã xác định về mức độ nguy hiểm của dịch là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu và lây truyền từ người sang người.

Theo quy định tại Điều 3, Chương I, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2017, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt Tây sông Nile; bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Điều kiện công bố dịch

Nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch được thực hiện theo quy định của Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 28-1-2016, quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi có ít nhất một người bệnh được chẩn đoán xác định.

Đơn cử, vào sáng 1-2-2020, căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn Luật này, trên cơ sở công bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng liên quan đến bệnh truyền nhiễm do chủng mới của Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 31-1 và theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19, Bộ Y tế đã công bố dịch bệnh truyền nhiễm tại tỉnh Khánh Hòa.

Trên cơ sở đó và thực tế các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với trường hợp dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

Như vậy, quyết định công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ đã được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Đây cũng là cơ sở pháp lý để Chính phủ và các bộ ngành chuẩn bị sẵn sàng cho việc công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh trong trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước.

Thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh

Điều 42 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định, trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Trường hợp đòi hỏi phải ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong quá trình thẩm định và hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết này.

Người mắc bệnh dịch hoặc phát hiện trường hợp mắc bệnh thì khai báo ra sao?

Điều 47, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về khai báo, báo cáo dịch nêu, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch.

Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch, cơ quan y tế phải báo cáo cho UBND nơi xảy ra dịch và cơ sở y tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.

B.Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/960524/can-cu-de-cong-bo-dich-covid-19-theo-quy-dinh-phap-luat