Chuyến thăm Syria của Phó Thủ tướng Yuri Borisov tập trung vào hoạt động của cảng Tartus mà Nga thuê trong 49 năm và các lựa chọn ưu đãi hải quan nhằm cung cấp cho thị trường Nga các sản phẩm nông nghiệp của Syria như cam quýt, ô liu và dầu ô liu.
Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đã tăng cường cung cấp ngũ cốc để hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar Al Assad trong những năm gần đây kể từ khi Matxcơva được Syria đề nghị can thiệp quân sự vào năm 2015.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết tại cảng mà Nga thuê trong 49 năm từ chính quyền Syria vào năm 2017, có thể bắt đầu vào năm tới, ông Borisov nói. Tổng số tiền đầu tư vào khoảng 500 triệu USD trong vòng 4 năm.
Khu vực ven biển Địa Trung Hải của Syria vẫn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ trong suốt cuộc nội chiến 8 năm qua.
Các cảng ở Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014 đóng vai trò là cảng biển xuất khẩu ngũ cốc sang cảng Tartus trong những năm gần đây để đảm bảo Syria có nguồn thực phẩm đáng tin cậy.
Hải quân Nga cũng điều hành một cơ sở quân sự tại Tartus, căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải và Matxcơva trước đây cho biết họ có kế hoạch mở rộng, hiện đại hóa các cơ sở của cảng cho hạm đội của mình.
Là căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở nước ngoài, cảng Tartus hiện có thể lưu giữ 11 tàu chiến, bao gồm cả các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, đóng vai trò quan trọng trong sự hiện diện quân sự của Nga ở Trung Đông.
Trước đó hôm 17-12, kênh truyền hình Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Nga và Syria đã thực hiện cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên gần Tartus. Cuộc tập trận có sự tham gia của hơn 2.000 binh sỹ Nga và Syria, 10 tàu hải quân cũng như không quân Nga.
Tàu tên lửa hải quân Nga Veliky Ustyug chuẩn bị ra khơi từ cơ sở hải quân Tartus, Syria, để tuần tra ở phía Đông Địa Trung Hải hôm 26-9-2019.
Đại tá Sergei Tronev, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy hải quân Nga trong khu vực, cho biết ngoài 2 tàu ngầm neo đậu tại bến cảng, Tartus thường xuyên có 2 tàu hộ tống tên lửa, 3 tàu tuần tra và 3 tàu tiếp tế.
Căn cứ này cũng là nơi có thể tự sản xuất phụ tùng, công cụ phục vụ sửa chữa tàu thuyền và duy trì khả năng hải quân trong khu vực
“Người Nga đã đến đây từ lâu”, quan chức Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov khẳng định trong dịp tháng 9-2019. Cơ sở được thành lập trong Chiến tranh Lạnh theo thỏa thuận Syria - Liên Xô được ký kết năm 1971 để hỗ trợ Hải quân Liên Xô ứng phó với Hạm đội 6 của Mỹ ở Địa Trung Hải
Tuy nhiên, sự hiện diện của hải quân Nga ở khu vực này đã ngừng trệ vào những năm sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, trong bối cảnh kinh tế và thiếu hụt tài chính quân sự.
Nhằm khôi phục tập quán thời Liên Xô trước đây là duy trì tàu chiến trong tình trạng cảnh giác thường trực ở Địa Trung Hải, Nga đã chuyển sang hiện đại hóa và mở rộng cơ sở hải quân ở Tartus và luân chuyển liên tục các tàu chiến ở Địa Trung Hải.
Nga đã tham chiến ở Syria kể từ tháng 9-2015, giúp chính quyền của ông Assad giành lại quyền kiểm soát đối với hầu hết lãnh thổ trong cuộc nội chiến tàn khốc.
Nga cũng có một căn cứ không quân ở tỉnh Latakia, ven biển của Syria để thực hiện không kích nhắm vào các lực lượng chống lại chính quyền Tổng thống Assad. Tháng trước, Matxcơva cho biết họ đã thiết lập một căn cứ trực thăng tại một sân bay ở phía Đông Bắc Syria.
Căn cứ không quân ở tỉnh Latakia là trung tâm chính cho chiến dịch quân sự của Nga, trong khi các cảng thương mại ở Latakia và Tartus đóng vai trò là trung tâm hậu cần, cung cấp nhiên liệu và thiết bị quân sự lớn được gọi là “cao tốc Syria”
Hải Yến (Theo National/AP)