Cần cú huých toàn diện cho kinh tế nông nghiệp
Kinh tế nông nghiệp tỉnh Cà Mau tiếp tục trên đà phát triển, khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều hạn chế, khó khăn, cần có cú huých sâu hơn để tạo bước đột phá, nâng cao đời sống người dân.
Sản lượng các mặt hàng nông nghiệp đạt kế hoạch đặt ra, nhưng việc nhân rộng mô hình còn hạn chế; công tác chống khai thác IUU dù quyết liệt nhưng còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành; trồng lúa thì còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết; kinh tế lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng khi tỷ trọng giá trị lâm nghiệp còn thấp; thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất; số lượng hợp tác xã có tăng nhưng liên kết sản xuất còn kém hiệu quả, chưa thật sự bền vững... Ðó là những hạn chế nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa thể khắc phục.
Nhiều khó khăn
Tôm sinh thái dưới tán rừng là lợi thế cạnh tranh của huyện Ngọc Hiển, tuy nhiên, năng suất còn khá thấp khi chỉ khoảng 345 kg/ha/năm. Nhằm tăng năng suất loại hình nuôi này, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn đã triển khai nhiều giải pháp nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. Theo ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, năm 2023 diện tích nuôi tôm sinh thái chưa đạt theo kế hoạch đã đề ra, năng suất lại giảm.
Năm 2023, huyện Ngọc Hiển đã triển khai mô hình nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn dưới tán rừng. Theo đánh giá tổng kết, những nơi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì cho năng suất khá cao. Do đó, năm 2024 huyện Ngọc Hiển có kế hoạch nhân rộng trên toàn bộ hơn 30.000 ha đất sản xuất.
“Năm nay, huyện chủ trương mạnh dạn triển khai nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn trái vụ dưới tán rừng. Ngay đầu năm sẽ tiến hành cải tạo lại vuông, thả giống, bởi thực tế năm 2023, một số hộ dân trên địa bàn xã Tam Giang Tây làm trái vụ cho năng suất rất cao”, ông Lạc cho biết thêm.
Không chỉ có lợi thế về tôm sinh thái, huyện Ngọc Hiển còn tiềm năng vô cùng lớn, là du lịch sinh thái. Theo đó, huyện đã và đang tiếp tục triển khai kế hoạch nuôi tôm sinh thái gắn với phát triển du lịch. Do đó, một vấn đề đặt ra hiện nay là việc trồng rừng ở từng khuôn hộ cũng phải tính toán về mặt mỹ quan, tuy nhiên, lại vướng các quy định trong quản lý phát triển rừng.
Bí thư huyện Ngọc Hiển kiến nghị: "Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho phép các hộ sau khi đã khai thác rừng được tự sắp xếp lại các luống rừng trồng, sao cho đẹp, vừa đảm bảo về tỷ lệ rừng, vừa đảm bảo mỹ quan và sản xuất hiệu quả".
Tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa - tôm cũng là thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, loại hình nuôi này đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thời tiết. Vụ mùa 2023 mưa thuận nên diện tích nuôi tôm càng xanh toàn tỉnh đạt trên 23.500 ha. Diện tích vượt kế hoạch, năng suất tương đối khá nhưng giá tôm lại không như mong đợi. Vừa thu hoạch xong vụ nuôi tôm càng xanh, anh Võ Văn Quân, ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình, lại tiếc nuối khi cho biết cả 2 đợt thu hoạch đều bán với giá chỉ 77 ngàn đồng/kg, thấp hơn 10 ngàn đồng/kg so với năm trước.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Vật tư đầu vào là yếu tố quyết định hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, việc quản lý các sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất, nhất là thức ăn, thuốc và hóa chất vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. “Hiện nay thị trường vật tư phục vụ nuôi thủy sản rất trôi nổi, cần có sự quản lý tập trung từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện”, ông Trần Hoàng Lạc đề xuất.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, thông qua công tác quản lý, kiểm tra, đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp bán vật tư thủy sản và thú y thủy sản là hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. “Tình trạng này, theo phản ánh của nhiều nơi, vẫn còn rất nhiều. Giá vật tư đầu vào đang rất cao, chúng ta chưa có biện pháp kiềm chế, nếu để bà con mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nữa thì thiệt hại càng lớn", ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công thương, nhận định.
Ðể quản lý lĩnh vực này, ông Nguyễn Chí Thiện đề xuất, cần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành kiểm tra liên tục. Ðồng thời, các địa phương cần phải tập trung quyết liệt trong công tác theo dõi quản lý địa bàn. Bởi, thực tế đã có trường hợp doanh nghiệp đăng ký chỉ trên địa bàn TP Cà Mau nhưng có chi nhánh hoạt động tại nhiều địa phương, hoạt động hoàn toàn bất hợp pháp khi không có giấy phép nhưng lại tồn tại trong thời gian dài.
Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp, mục tiêu đặt ra trong thời gian tới, mà gần nhất năm 2024, là tiếp tục tập trung các giải pháp để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết, trong năm 2024, mục tiêu tổng sản lượng tôm 253 ngàn tấn. Trong đó, tôm nuôi theo hình thức thâm canh bình quân đạt 7,5 tấn và siêu thâm canh là 75 tấn/ha/năm.
Tuy nhiên, liên quan đến mục tiêu sản lượng tôm, ông Thiện lại băn khoăn khi cho rằng, nếu tập trung phát triển mô hình nuôi siêu thâm canh để tăng năng suất là chưa chắc phù hợp với tình hình hiện nay. Tăng năng suất phải kèm theo giá trị sản phẩm tôm khi bán ra để tăng lợi nhuận cho người dân. Riêng nuôi siêu thâm canh, để giảm chi phí chỉ còn cách là tổ chức sản xuất theo hình thức quy mô lớn. Nếu còn tình trạng nhỏ lẻ, đơn thuần như hiện nay thì không thể giảm được chi phí. Ðặc biệt, phải hình thành được hợp tác xã và mời được doanh nghiệp đủ mạnh cùng tham gia.
Ngoài thức ăn chiếm khoảng trên 50% tổng chi phí giá thành sản phẩm tôm siêu thâm canh, theo thống kế mới đây (tháng 8/2023) của Sở NN&PTNT, chi phí nhiên liệu, khấu hao thiết bị trong loại hình nuôi này cũng chiếm khá cao, từ 15-20%.
Do đó, để giảm loại chi phí này, ông Nguyễn Chí Thiện cho biết, Sở Công thương đang tiến hành một kế hoạch về sử dụng nguồn năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong nuôi tôm siêu thâm canh. Tuy nhiên, chỉ có ngành công thương thì không thể thực hiện được, cần sự phối hợp với các ngành và địa phương để có thể triển khai đồng loạt.
"Sở Công thương sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HÐND ban hành cơ chế đặc thù để hỗ trợ các hộ nuôi sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Sẽ giúp các hộ nuôi lắp hệ thống năng lượng mặt trời, sao cho đủ nguồn điện phục vụ sản xuất vào ban ngày", Giám đốc Sở Công thương chia sẻ.
Ðối với việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, cả trong và ngoài nước, cần có một kế hoạch xúc tiến thương mại chi tiết, thực chất và hiệu quả. “Không làm theo bề nổi, tức không phải địa phương nào tổ chức phiên xúc tiến thương mại, hội chợ thương mại, cũng tổ chức cho doanh nghiệp và các chủ thể OCOP tham gia. Một số phiên xúc tiến vừa qua, chỉ như bán hàng ngoài chợ, là chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Ðiều cần thiết là phải làm đầu mối để kết nối các doanh nghiệp của tỉnh với các chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ lớn, có chuỗi phân phối trên toàn quốc”, ông Thiện đề xuất.
Chiếm tỷ trọng hơn 32,6% trong tổng sản phẩm toàn tỉnh (GRDP), một cú huých toàn diện, làm đòn bẩy đưa kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, là rất cần thiết. Bởi, nông nghiệp không chỉ là lĩnh vực quan trọng cho kinh tế chung toàn tỉnh mà còn là khu vực có liên quan đến hầu hết các ngành, lĩnh vực khác, đặc biệt là trực tiếp quyết định chất lượng cuộc sống của hầu hết người dân./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-cu-huych-toan-dien-cho-kinh-te-nong-nghiep-a30950.html