Căn cứ nào để chọn môn tự chọn và môn bắt buộc?

Sáng 13/5, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Chủ tịch Hội đồng họp phiên đầu tiên tại Văn phòng Chính phủ.

Chuyên đề đầu tiên tập trung vào vấn đề kiểm tra đánh giá hiện nay, bên cạnh đó bàn về vấn đề nóng trong dư luận hiện nay là đưa Lịch sử thành môn tự chọn.

Trình bày tổng hợp ý kiến chuyên gia mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tham vấn hôm 10/5, ông Bùi Hoài Sơn cho biết, hầu hết đại biểu đều thống nhất nên cân nhắc về việc giảng dạy môn Lịch sử tại cấp phổ thông.

Ông BÙI HOÀI SƠN - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Mọi lịch sử đều là lịch sử nhân tạo, lịch sử do cách diễn giải, đó là vì sao chúng ta cần có sự định hướng lịch sử, nhất là trong giai đoạn có nhiều thông tin khác nhau… Giai đoạn 15-18 tuổi là giai đoạn quan trọng, tiếp thu mạnh mẽ kiến thức, cần được phổ biến lịch sử trong độ tuổi này. Nếu tự chọn lịch sử có thể ảnh hưởng đến đội ngũ giảng viên, giáo viên… cần có đánh giá tác động.”

Lý giải câu hỏi nhiều đại biểu đặt ra về việc căn cứ nào để chọn môn tự chọn và môn bắt buộc, Tổng Chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới cho biết, ngoài 1 số môn học bắt buộc theo luật hoặc nghị định như Giáo dục Quốc phòng – An ninh, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ, thì Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp nhằm phù hợp với mục tiêu phân luồng, hướng nghiệp của cấp THPT; Giáo dục địa phương giúp các em được đào tào phù hợp với nhu cầu nhân lực địa phương. Còn Toán và Ngữ văn là 2 môn công cụ nền tảng của nhiều môn học khác.

GS. TS NGUYỄN MINH THUYẾT - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới: “Thực chất, có làm theo môn Lịch sử không? Điều tra ở các trường THPT khi làm chương trình và hiện tại, 70% các em chọn Lịch sử. Còn nhiều môn khác ít em chọn hơn và tôi cho rằng đáng lo lắng hơn.”

Liên quan đến nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến chuyên gia để có quyết định phù hợp trong thời gian tới.

Cũng trong cuộc họp, Hội đồng thảo luận sâu về việc kiểm tra đánh giá hiện nay. Nhiều thành viên hội đồng là nhà giáo đều đánh giá cao sự cập nhật của các cấp quản lý về vấn đề kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, dù việc kiểm tra đánh giá học sinh có thay đổi nhưng đánh giá giáo viên, đánh giá nhà trường vẫn đặt nặng thành tích, khiến người dạy rơi vào thế khó.

Thực hiện : Đỗ Minh Khánh Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/can-cu-nao-de-chon-mon-tu-chon-va-mon-bat-buoc