Căn cứ pháp lý để thực hiện đấu giá biển số xe

Theo chuyên gia, tài sản mang ra đấu giá trong trường hợp đấu giá biển số xe là đấu giá quyền tài sản, cụ thể là quyền được cấp biển số xe.

Bộ Công an đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Vậy căn cứ nào để đem biển số ô tô ra đấu giá?

Tại dự thảo tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện thí điểm, có nêu rõ về căn cứ pháp lý để đề xuất đấu giá biển số xe.

Cụ thể, Điều 3, 4, 19 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định “kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước” là tài sản công.

Khoản 2 Điều 105 Nghị định 151/2017 quy định “kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải” là kho số phục vụ quản lý nhà nước; khoản 3 Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định “Chính phủ có nhiệm vụ khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước”.

Như vậy, kho số của biển số xe do Bộ Công an đang sử dụng để đăng ký, cấp biển số và quản lý xe là tài sản công thuộc nhóm tài sản “kho số phục vụ quản lý nhà nước”.

Bộ Công an đề xuất thí điểm đấu giá biển số xe. Ảnh minh họa

Ngoài ra, Điều 107 Nghị định 151/2017 quy định việc thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số phục vụ quản lý nhà nước được thực hiện thông qua các hình thức đấu giá hoặc niêm yết giá.

Căn cứ vào các quy định trên có thể xác định, biển số xe là tài sản công và nhà nước được khai thác quyền lựa chọn sử dụng biển số ngoài phí, lệ phí theo quy định hiện hành.

Đồng thời, theo PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM: Biển số xe là dấu hiệu nhận diện xe và do cơ quan có thẩm quyền cấp với mục đích chính là để quản lý lưu hành xe cũng là dấu hiệu cá biệt hóa tài sản (ý nghĩa phái sinh do thực tiễn xã hội công nhận).

Nếu phân loại tài sản thì biển số xe cần phải được xác định đi kèm với xe, xe và biển số phải tạo thành một vật, khi xe còn thì biển số xe còn và ngược lại.

Có thể hình dung biển số xe tự bản thân nó không có ý nghĩa là một tài sản biệt lập, người trúng đấu giá chỉ nên có quyền được gắn biển số xe này vào một tài sản (xe) mà họ có.

Như vậy, có thể xếp biển số xe vào nhóm quyền tài sản, cụ thể là quyền được cấp biển số và tài sản mang ra đấu giá trong trường hợp đấu giá biển số xe là đấu giá quyền tài sản.

Người dân và Nhà nước đều được lợi khi đấu giá biển số xe

Trao đổi cùng Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Dương Anh Sơn, Trưởng Khoa luật kinh tế ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, khẳng định ông ủng hộ đề xuất của Bộ Công an.

Theo ông, người dân Việt Nam thường có tâm lý thích biển số xe đẹp và sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ để được sở hữu biển số đó. Việc đấu giá biển số không gây hại cho ai mà mang lại lợi ích cho Nhà nước và cả người dân thì cần làm và nên làm.

Ngoài ra, PGS-TS Sơn cũng cho rằng nếu thí điểm đấu giá biển số ô tô thành công thì nên xem xét đến việc cho phép đấu giá biển số xe máy, vì người đi xe máy cũng có nhu cầu lựa chọn biển số xe theo mong muốn.

QUỲNH LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-cu-phap-ly-de-thuc-hien-dau-gia-bien-so-xe-post677445.html