Bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố rằng căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt tại thành phố Redzikowo của Ba Lan đã đạt trạng thái sẵn sàng hoạt động.
Cơ sở mới nằm ở Pomeranian Voivodeship, chỉ cách vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga hơn 200 km, động thái trên của NATO chắc chắn sẽ khiến Moskva cảm thấy không hài lòng.
Căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Redzikowo được trang bị hệ thống Aegis Ashore và được thiết kế để phát hiện, theo dõi cũng như đánh chặn các tên lửa đạn đạo có thể được phóng bởi đối thủ tiềm năng.
Cơ sở nói trên là một thành phần quan trọng thuộc mạng lưới phòng thủ tên lửa đang được Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương triển khai ở Đông Âu, đích ngắm dĩ nhiên là các tên lửa của Nga.
Một hệ thống tương tự cũng đã được triển khai ở căn cứ Deveselu trên đất Romania. Mạng lưới phòng thủ tên lửa châu Âu của Mỹ còn bao gồm một trạm radar cảnh báo sớm ở Thổ Nhĩ Kỳ và một trung tâm chỉ huy tại căn cứ Ramstein trên lãnh thổ Đức.
Bên cạnh đó, hệ thống Aegis trên biển còn được bố trí trên các tàu khu trục và tàu tuần dương của Hải quân Mỹ đóng quân thường trực ở cảng Rota thuộc Tây Ban Nha.
Rõ ràng, việc bố trí nhiều cơ sở phòng thủ tên lửa thế hệ mới của Mỹ gần biên giới Nga cho thấy NATO coi Moskva như là đối thủ chính trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột toàn cầu.
Chúng ta hãy nhớ lại rằng mới đây Lầu Năm Góc còn bày tỏ ý định tăng cường lực lượng của mình ở Đức bằng tên lửa tầm xa, độ chính xác cao, đó là triển khai tổ hợp tên lửa di động mặt đất Typhon, được xem như các bệ phóng di động của hệ thống Aegis.
Rõ ràng là tại hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã đặt ra lộ trình cho một cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn hơn nữa với Nga và diễn biến này khiến nhiều người cảm thấy lo ngại.
Cần nhắc lại kết cấu mỗi tổ hợp Aegis Ashore trên cạn cũng tương tự như khi lắp đặt trên tàu chiến, bao gồm một tháp radar với các đài radar mảng pha quét điện tử chủ động AN/SPY-1D đi kèm bệ phóng thẳng đứng Mk 41.
Hệ thống Aegis Ashore có thể triển khai nhiều loại tên lửa đánh chặn tối tân như SM-2/3/6, với vị trí đặt sát nước Nga thì chúng có thể dễ dàng vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo ngay khi rời bệ phóng.
Nhưng quan trọng hơn, theo Nga thì việc Mỹ triển khai Aegis Ashore không chỉ nhằm mục đích phòng thủ đơn thuần mà đây còn là một tổ hợp vũ khí tấn công trá hình.
Lý do khiến Nga có nhận định trên là bởi các bệ phóng Mk 41 của hệ thống Aegis Ashore còn bắn được cả tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk.
Sẽ là cực kỳ khó khăn cho lực lượng phòng thủ Nga khi phải đối phó với kho tên lửa Tomahawk nằm ngay sát lãnh thổ mình, bởi các đài radar cảnh báo sớm của Moskva sẽ gần như bị vô hiệu hóa.
Để đáp trả động thái của Mỹ, gần như chắc chắn Nga sẽ gia tăng năng lực răn đe thông qua những hệ thống tên lửa đất đối đất di động, thậm chí còn triển khai cả vũ khí hạt nhân chiến thuật.