Cần cụ thể hóa quy định về lồng ghép giới trong hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu
Với hơn 19 triệu hội viên và mạng lưới rộng khắp đến cộng đồng, Hội LHPN Việt Nam có thể trực tiếp làm việc với phụ nữ để hiểu nhu cầu của họ cũng như xác định nhóm dễ bị tổn thương nhất và hậu quả của thiên tai để từ đó đề xuất chính sách tốt hơn.
Những hoạt động cụ thể giúp phụ nữ thích ứng với biến đổi khí hậu nhìn từ Thanh Hóa
Tại một số tỉnh, Hội LHPN tổ chức các lớp dạy bơi cho phụ nữ và trẻ em gái, hướng dẫn phụ nữ chuẩn bị ứng phó với thiên tai theo nguyên tắc 4 "tại chỗ". Hội hướng dẫn họ các dấu hiệu của thảm họa để sơ tán an toàn, cung cấp kiến thức và kỹ năng về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản khi có thiên tai, hỗ trợ phụ nữ sơ tán khi có sự kêu gọi của chính quyền địa phương... Với sự hiểu biết sâu sắc của chính cộng đồng, phụ nữ có thể đóng góp đáng kể vào việc lập kế hoạch phòng chống thiên tai.
Riêng Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa những năm qua đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng riêng cho phụ nữ. Trong năm 2020, Hội đã tổ chức 2 cuộc tập huấn về giới trong CCA, 4 cuộc họp của các nhóm sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu cho 224 người tham gia là chủ tịch, phó chủ tịch và phụ nữ ở các xã ven biển huyện Hậu Lộc và Nga Sơn.
Trong các khóa đào tạo về hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng ở Thanh Hóa, phụ nữ chiếm 30% đến 58% số người tham gia (cán bộ nữ: 41,6%, phụ nữ cư dân: 56%). Phụ nữ được đào tạo về hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng chiếm hơn 1/3 số người tham gia ở tất cả 36 xã của tỉnh Thanh Hóa. Đây là cơ sở tốt để lồng ghép giới cũng như nâng cao nhận thức về giới.
Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện Đề án sinh kế chống chịu với biến đổi khí hậu như thu gom rác thải và bảo vệ môi trường (xã Quảng Xương, Triệu Sơn, Quan Hóa); Tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi bò (xã Nga Thúy, huyện Nga Sơn). Bên cạnh đó, nhân rộng mô hình nuôi ong, nuôi tôm cua, vịt, gà theo quy trình an toàn sinh học (huyện Nga Sơn, Hậu Lộc). Các hoạt động sinh kế này góp phần tạo thu nhập cho phụ nữ và các nhà phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Phụ nữ với giảm nhẹ rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu
Gần đây, các nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đối với phụ nữ Việt Nam đã được thực hiện ở nhiều quy mô khác nhau và bình đẳng giới đã được quan tâm trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện các can thiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Phụ nữ đã và đang tham gia tích cực vào công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo khoa học Toàn cầu Thế hệ mới lần thứ 13 với chủ đề "Các rủi ro mới và khả năng chống chịu trong các xã hội châu Á và trên thế giới" diễn ra tại Hà Nội mới đây, các nhà khoa học đã quan tâm đến báo cáo "Sự tham gia của phụ nữ trong giảm nhẹ với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng (nghiên cứu trường hợp tỉnh Thanh Hóa)" của bà Nguyễn Thị Minh Hương và bà Nguyễn Hoàng Anh đến từ Hội LHPN Việt Nam.
Dựa trên các lý thuyết liên quan đến giới, môi trường, phát triển và tương tác giữa thiên tai, biến đổi khí hậu và bình đẳng giới, bài viết bàn về vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng. Các tác giả phân tích vai trò của phụ nữ trong lập kế hoạch và ra quyết định ở cấp cơ sở; hỗ trợ kỹ thuật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai; nâng cao năng lực, sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ kết quả nghiên cứu, các tác giả khuyến nghị về cách thúc đẩy vai trò của phụ nữ và lồng ghép giới như một giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng (DRR&CCA).
Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Trưởng Ban Tuyên giáo của Hội LHPN Việt Nam - chia sẻ: Hội LHPN Việt Nam là một tổ chức chính trị, xã hội với hơn 19 triệu hội viên, có chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ. Hội luôn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ Hội Phụ nữ các cấp về biến đổi khí hậu, những tác động của biến đổi khí hậu và đưa ra những giải pháp, sáng kiến để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu gây ra. Từ đó định hướng chỉ đạo các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả trong cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước, phù hợp với đặc điểm giới.
Hội LHPN Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Điều này thể hiện Hội đã nhận được đánh giá cao về vai trò và khả năng của Hội các cấp trong các hoạt động phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với mạng lưới rộng khắp đến cộng đồng, Hội LHPN Việt Nam có thể trực tiếp làm việc với phụ nữ để hiểu nhu cầu của họ cũng như xác định nhóm dễ bị tổn thương nhất và hậu quả của thiên tai để từ đó đề xuất chính sách tốt hơn. Từ nắm bắt nhu cầu thực tiễn của phụ nữ cũng như gia đình họ, Hội Phụ nữ địa phương có cơ sở tham gia nhiều hơn vào giai đoạn trước, trong và sau thiên tai như: Xác định các khu vực dễ bị tổn thương, phân loại các nhóm cộng đồng để hỗ trợ cụ thể, thu thập nhu cầu của người dân cộng đồng, xác định đối tượng thụ hưởng, cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm, sơ cấp cứu, chăm sóc người bị thương, dọn dẹp, khôi phục sản xuất ...
Nhìn chung, phụ nữ đã và đang tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu. Do đó, cần thiết có các chính sách, quy định pháp luật cụ thể để đồng bộ lồng ghép giới trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.