Căn cứ xét hưởng trợ cấp chăm sóc người có công
Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được xác nhận trước ngày 1/9/2012 thì thời điểm hưởng trợ cấp phục vụ từ ngày 1/9/2012.
Bố của ông Lê Văn Hào (Nghệ An) tên là Lê Văn Huệ, tham gia chiến trường Khe Sanh - Quảng Trị từ năm 1969 đến năm 1971, bị nhiễm chất độc hóa học, sinh được 4 người con thì 3 người bị tàn tật không có khả năng lao động. Năm 2006, bố của ông được hưởng chế độ dành cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 3 người con được hưởng chế độ theo bố.
Năm 2018, bố của ông mất đột ngột, lúc này ông Hào mới biết có chế độ cho người chăm sóc người có công, do vậy, ông đã làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ này. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu phải có quyết định điều chỉnh mức trợ cấp, biên bản giám định thương tật nhưng ông không có, chỉ có quyết định mức hưởng trợ cấp của bố ông, của các anh chị ông và sổ nhận trợ cấp hàng tháng.
Ông Hào hỏi, nay ông muốn làm hồ sơ cho mẹ của ông để hưởng trợ cấp chăm sóc người có công nhưng giấy tờ không đủ thì phải làm như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định giải quyết trợ cấp người phục vụ tại Khoản 3, Điều 42 “Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, sống ở gia đình được trợ cấp người phục vụ bằng một lần mức chuẩn” và Khoản 2, Điều 43 “Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được xác nhận trước ngày 1/9/2012 thì thời điểm hưởng trợ cấp phục vụ từ ngày 1/9/2012”.
Vì vậy, đề nghị ông Lê Văn Hào căn cứ vào quy định nêu trên hoàn thiện giấy tờ và liên hệ với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.