Căn cước điện tử bị khóa, được mở khóa trong trường hợp nào?

* Bạn đọc Trần Thế Anh ở xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết căn cước điện tử bị khóa, được mở khóa trong trường hợp nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 34 Luật Căn cước. Cụ thể như sau:

1. Căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp sau đây:

a) Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa;

b) Khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;

c) Khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước;

d) Khi người được cấp căn cước điện tử chết;

đ) Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

2. Căn cước điện tử được mở khóa trong các trường hợp sau đây:

a) Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm a khoản 1 điều này yêu cầu mở khóa;

b) Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm b khoản 1 điều này đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;

c) Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm c khoản 1 điều này được trả lại thẻ căn cước;

d) Khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền quy định tại điểm đ khoản 1 điều này yêu cầu mở khóa.

3. Khi khóa căn cước điện tử đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 điều này, cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa căn cước điện tử.

4. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền khóa, mở khóa căn cước điện tử.

5. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục khóa, mở khóa căn cước điện tử.

* Bạn đọc Nguyễn Thị Mai ở xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, hỏi: Đối tượng nào bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy. Cụ thể, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

2. Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

3. Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;

4. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/can-cuoc-dien-tu-bi-khoa-duoc-mo-khoa-trong-truong-hop-nao-794310