Đề xuất chấp hành viên có thể chứng kiến việc thỏa thuận thi hành án ngoài trụ sở
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015, chấp hành viên có thể chứng kiến thỏa thuận phải thi hành án ngoài trụ sở trong một số trường hợp.
Mới đây, Bộ Tư pháp đã đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS); đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 33/2020).
Dự thảo lần này sửa đổi, bổ sung 18 điều, khoản và bãi bỏ điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015. Một số điểm sửa đổi, bổ sung mới có thể kể đến như sự kiện bất khả kháng trong thời hiệu yêu cầu THA, việc thỏa thuận THA, xác minh điều kiện THA; đăng ký cấp chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản…
Bổ sung trường hợp bất khả kháng
Theo đó, tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định 62/2015 (Nghị định 33/2020 không sửa đổi) quy định sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa. Khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định "sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan là trường hợp dịch, bệnh truyền nhiễm do cơ quan có thẩm quyền công bố mà đương sự không thể thực hiện được quyền yêu cầu THA".
Theo bản thuyết minh chi tiết của Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, các cơ quan THADS, cụ thể là thời gian diễn ra dịch COVID-19, thời hạn thực hiện các trình tự, thủ tục tổ chức THA, yêu cầu THA của đương sự bị ảnh hưởng nhưng chưa có quy định về việc không tính vào thời hạn, thời hiệu. Từ đó, nhiều trường hợp đương sự làm đơn yêu cầu THA quá thời hiệu, chấp hành viên chậm tổ chức THA… dẫn đến khiếu nại, tố cáo.
Pháp luật khuyến khích đương sự tự do, tự nguyện thỏa thuận giải quyết với nhau. Do vậy, trong thi hành án dân sự vấn đề cần quan tâm nhất chính là nội dung thỏa thuận của các bên đương sự chứ không phải là nơi thỏa thuận của các bên đương sự.
ThS HỒ QUÂN CHÍNH, Trưởng bộ môn Đào tạo các chức danh thi hành án dân sự tại Cơ sở TP.HCM của Học viện Tư pháp
Để dự liệu các tình huống phát sinh khi có dịch bệnh xảy ra, việc hướng dẫn dịch bệnh là một trong những lý do sự kiện bất khả kháng là cần thiết. Điều này cũng phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự và khoản 13, 14 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính, quy định về trở ngại khách quan và sự kiện bất khả kháng.
Cạnh đó, theo khoản 2 Điều 28 Nghị định 62/2015 (Nghị định 33/2020 không sửa đổi) về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (GCN) mà không thu hồi được GCN thì cơ quan THADS gửi văn bản nêu rõ lý do không thu hồi được GCN đến Văn phòng đăng ký đất đai nơi cấp GCN. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan THA, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm báo cho cơ quan có thẩm quyền hủy GCN đã cấp và cấp lại GCN theo quy định.
Khoản 8 Điều 1 dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung quy định Cơ quan THADS gửi văn bản kiến nghị thu hồi GCN đến UBND có thẩm quyền đối với GCN đã cấp lần đầu hoặc Văn phòng đăng ký đất đai đối với GCN đã đăng ký biến động. Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, cơ quan có thẩm quyền nêu trên quyết định thu hồi, hủy GCN đã cấp và cấp lại GCN theo quy định.
Cho phép thỏa thuận thi hành án ngoài trụ sở cơ quan
Khoản 4 Điều 5 Nghị định 62/2015 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 33/2020 về thỏa thuận THA, việc chứng kiến thỏa thuận phải được thực hiện tại trụ sở của cơ quan THADS.
Theo bản thuyết minh chi tiết của Bộ Tư pháp, nội dung thỏa thuận THA theo Nghị định 33/2020 đã quy định hạn chế khi chỉ cho chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận tại trụ sở. Sau 4 năm thực hiện, quy định này không còn phù hợp với thực tiễn, một số trường hợp cụ thể vẫn cần sự chứng kiến của chấp hành viên ngoài trụ sở cơ quan THADS để kết thúc việc THA.
Do đó, dự thảo Nghị định đã thay đổi theo hướng, đối với các trường hợp thỏa thuận giao quyền sở hữu, sử dụng, quản lý tài sản; giao quyền nuôi dưỡng người chưa thành niên; giao quyền thăm nom, chăm nom, chăm sóc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người không có khả năng lao động thì chấp hành viên có thể chứng kiến ngoài trụ sở cơ quan THADS. Văn bản thỏa thuận phải có chữ ký của người làm chứng hoặc đại diện chính quyền cấp xã hoặc tổ dân phố nơi chứng kiến thỏa thuận.
Theo ThS Hồ Quân Chính, Trưởng bộ môn Đào tạo các chức danh THADS tại Cơ sở TP.HCM của Học viện Tư pháp, nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận là một nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và hầu như không bị hạn chế về mặt không gian. Việc hạn chế chỉ được thực hiện thỏa thuận tại trụ sở cơ quan THADS là chưa thực sự phù hợp.
Trong dự thảo đã mở rộng hơn về không gian thỏa thuận. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả của việc THADS thì không nên hạn chế về phạm vi không gian nơi các bên thực hiện thỏa thuận đối với từng loại việc THADS. Vì theo chính sách pháp luật, khuyến khích đương sự tự do, tự nguyện thỏa thuận giải quyết với nhau. Do vậy, trong THADS vấn đề cần quan tâm nhất chính là nội dung thỏa thuận của các bên đương sự chứ không phải là nơi thỏa thuận của các bên đương sự.
Do vậy, để đảm bảo hiệu quả của hoạt động THADS liên quan đến thỏa thuận THA, nhà làm luật không nên quan tâm nhiều đến nơi thực hiện thỏa thuận mà cần quan tâm hơn đến nội dung thỏa thuận và trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện thỏa thuận đó.
Xác minh điều kiện thi hành án thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia
Khoản 3 Điều 1 dự thảo Nghị định cũng bổ sung việc xác minh điều kiện THA. Theo đó, khi xác minh điều kiện THA, chấp hành viên có thể xác minh thông qua ứng dụng định danh điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, đất đai và các cơ sở dữ liệu khác theo trình tự, thủ tục của pháp luật chuyên ngành. Kết quả xác minh được sử dụng để tổ chức THA theo quy định.
Điều này phù hợp với thực tế, vì hiện nay, với sự phát triển của công nghệ 4.0, cơ sở dữ liệu quốc gia là một bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước và phục vụ người dân, góp phần chuyển đổi số; giảm thiểu chi phí và thời gian khi làm các thủ tục hành chính liên quan đến thông tin cá nhân, tăng cường tính minh bạch, công khai…