Cần đánh giá đúng nguy cơ dịch bệnh
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19.
Nhưng trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa công bố bỏ tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, nhiều nước cũng cảnh giác với các biến chủng mới Covid-19, cần thực hiện tốt công tác phòng dịch.
Vấn đề, mọi người lo ngại lúc này là chưa biết hết các biến thể virus ở Trung Quốc thế nào. Vì thế, việc quan trọng nhất lúc này là đánh giá nguy cơ dịch bệnh cho đúng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, để đánh giá tình hình dịch, chúng ta cần theo dõi hằng ngày sau khi mở cửa xem số ca nhiễm có tăng đột biến hay không, có khả năng làm hệ thống y tế quá tải hay không, số ca mắc nặng có tăng lên không, nguy cơ nhập viện có nhiều, tử vong có cao hơn không sau thời gian mở cửa với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cần theo dõi hệ thống điều trị sau mở cửa, nếu quá tải phải chuyển đổi biện pháp ngay sau khi mở cửa với Trung Quốc, tránh để hệ thống y tế quá tải trong thời gian dài. Kết quả các chỉ số này sẽ là cơ sở để chúng ta quyết định mức độ và vấn đề kích hoạt lại hệ thống chống dịch hay không.
Điều quan trọng hiện nay là đánh giá nguy cơ dịch bệnh một cách chính xác. Bởi nếu đánh giá thấp về nguy cơ thì không kiểm soát được dịch bệnh, nhưng nếu đánh giá nguy cơ cao quá thì biện pháp phòng dịch sẽ quá mức, làm sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, chúng ta không cần thiết phải xét nghiệm tất cả những người từ Trung Quốc sang Việt Nam du lịch, buôn bán vì khi chúng ta mở cửa sẽ không ngăn cản được người Trung Quốc nhiễm Covid-19 sang Việt Nam. Như vậy, nguy cơ lây lan rất cao, nên việc xét nghiệm tất cả các trường hợp người Trung Quốc sang Việt Nam sẽ không hiệu quả. Do đó, chỉ cần xét nghiệm để đánh giá nguy cơ lây lan. Việc xét nghiệm để phát hiện biến chủng, nguy cơ lây lan từ người Trung Quốc sang Việt Nam là rất quan trọng.
“Chúng ta cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 như đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi có nguy cơ cao, phải rửa tay khử khuẩn nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão khi nhu cầu đi lại nhiều. Thực hiện biện pháp bảo vệ để ngăn tiếp xúc giữa người có triệu chứng nghi ngờ như sốt, đau họng với người bình thường để hạn chế lây lan Covid-19 sau khi mở cửa với Trung Quốc” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Theo chuyên gia, nước ta cần tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vaccine, ưu tiên đối tượng có nguy cơ cao, dễ tổn thương như người già, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch. Tổ chức tiêm cho những trường hợp chưa tiêm vaccine. Bởi chúng ta chuyển được từ giai đoạn Zero Covid sang giai đoạn thích ứng an toàn, hiệu quả là nhờ vào triển khai tiêm phủ vaccine trên diện rộng cả nước.
“Cần khẳng định trong phòng dịch vaccine chúng ta nới lỏng nhưng không buông trôi, thả lỏng phòng dịch. Phải thực hiện phòng dịch một cách an toàn, linh hoạt, đánh giá được nguy cơ để vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa làm ăn kinh tế được. Cần đánh giá nguy cơ có thể bùng phát dịch cho đúng để trong trường hợp tình hình phức tạp sẽ triển khai biện pháp chống dịch kịp thời” - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Ngũ Duy Nghĩa - Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đánh giá, trong bối cảnh Việt Nam từ 1,5 triệu ca mắc Covid-19/tuần xuống còn dưới 1.000 ca/tuần cho thấy hiệu quả của việc bao phủ tiêm vaccine cho người dân.
Nền tảng miễn dịch trong nước đã tăng, ca bệnh nặng giảm tuy nhiên chúng ta vẫn cần chủ động ứng phó khi các biến thể virus thay đổi liên tục. Theo chủ trương chung của Chính phủ và Bộ Y tế, cần tăng cường kiểm soát, phát hiện sớm để cảnh báo, chủ động phòng chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm với mục đích cao nhất là theo dõi được các biến chủng mới.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-danh-gia-dung-nguy-co-dich-benh.html