Cần đánh giá kỹ tác động trong việc mở rộng phạm vi đấu giá biển số xe
ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, mới chỉ thí điểm được 8 tháng, chưa có tổng kết, đánh giá toàn diện, phân tích nội dung quy định nào phù hợp, quy định nào chưa phù hợp nên việc quy định mức giá khởi điểm cần có cơ sở rõ ràng.
Đánh giá kỹ lưỡng việc thí điểm đấu giá biển số xe
Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, ngày 27/3, một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận đó là dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định đấu giá biển số xe. Đa số ý kiến đề nghị cần thận trọng, đánh giá kỹ tác động trong việc mở rộng phạm vi đấu giá biển số xe cũng như đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của Luật này với Luật Đấu giá tài sản.
Để luật hóa nội dung đấu giá biển số xe theo ý kiến của đa số ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thiết kế 2 phương án sau:
Phương án 1: Bổ sung 1 điều vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Điều 37 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý), trên tinh thần kế thừa nội dung của Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe có điều chỉnh để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết trên.
Phương án 2: Bổ sung nội dung đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với Phương án 1, vì đưa vào quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp với đa số ý kiến ĐBQH đã nêu, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là luật chuyên ngành, sẽ quy định đầy đủ, cụ thể các nội dung về đấu giá biển số xe và tạo nên sự thống nhất với các quy định khác về quản lý phương tiện giao thông đường bộ, cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.
Tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc việc mở rộng đấu giá biển số xe. Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) nhận thấy, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, có nhiều ý kiến về vấn đề này và bộ phận tham mưu đã nghiên cứu kỹ với tinh thần trách nhiệm cao.
“Hiện chúng ta đang thí điểm và áp dụng đấu giá đối với biển số xe ô tô trên nền màu trắng, chữ màu đen và thời gian tính đến hết năm 2026 là hết thí điểm. Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô đã tính đến rất nhiều khía cạnh, tôi cho rằng không chỉ về khía cạnh kinh tế, còn tính đến cả khía cạnh xã hội, văn hóa”, ĐBQH Đồng Ngọc Ba nêu rõ.
Do đó, đại biểu đề nghị cần tính toán, đánh giá kỹ lưỡng việc thí điểm với diện như thế nào, thời gian ra sao để có tổng kết, đánh giá.
Đại biểu cũng đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời có báo cáo bổ sung đánh giá tác động khi luật hóa nội dung này và mở rộng phạm vi, tuy nhiên, Đại biểu cho rằng, báo cáo còn chưa đầy đủ, trước mắt cần cân nhắc luật hóa phạm vi đấu giá biển số xe ô tô trong phạm vi thí điểm, tức là biển số xe ô tô trên nền màu trắng, chữ màu đen, chưa mở rộng đấu giá biển số xe ô tô với các loại xe khác.
Đồng thời, ĐBQH Đồng Ngọc Ba đề nghị cần đánh giá bổ sung tác động xã hội, đặc biệt là khía cạnh văn hóa liên quan đến quan niệm biển số xấu - đẹp ảnh hưởng như thế nào đối với văn hóa.
“Khi luật hóa cơ chế này đấu giá các biển số xe xấu - đẹp, không chỉ đáp ứng nhu cầu của những người thích biển số theo nhu cầu mang tính tích cực mà còn cần đánh giá thêm những yếu tố có tác động tiêu cực”, ĐBQH Đồng Ngọc Ba kiến nghị.
Làm rõ cơ sở về việc quy định mức giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá
Cùng quan điểm trên, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho biết, hiện nay, việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô theo Nghị quyết số 73/2022/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2023 và được thực hiện trong 3 năm. Như vậy, Nghị quyết sẽ được thực hiện đến tháng 7/2026, đến nay mới thí điểm được 8 tháng.
So với Nghị quyết số 73/2022/QH15, dự thảo Luật bổ sung biển số xe đưa ra đấu giá là số biển số xe mô tô, xe gắn máy. Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, việc mở rộng như vậy cần hết sức thận trọng khi chưa có đánh giá đầy đủ. Do đó, đề nghị nghiên cứu, cân nhắc có tổng kết, đánh giá đầy đủ, cụ thể, toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô để việc bổ sung vào dự thảo Luật cho phù hợp.
Đáng chú ý, khoản 2 Điều 37 dự thảo Luật quy định giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá không thấp hơn 40 triệu (mức lấy theo Nghị quyết số 73/2022/QH15); giá khởi điểm một biển số xe mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá không thấp hơn 5 triệu đồng. Căn cứ điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định cụ thể giá khởi điểm của loại biển số xe đưa ra đấu giá.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, Nghị quyết mới chỉ thí điểm được 8 tháng, chưa có tổng kết, đánh giá toàn diện, phân tích nội dung quy định nào phù hợp, quy định nào chưa phù hợp nên việc quy định mức giá khởi điểm cụ thể như trên cần có cơ sở rõ ràng. Vì vậy, đề nghị làm rõ cơ sở, căn cứ về việc quy định mức giá khởi điểm như vậy trong dự thảo Luật.