'Cần đánh giá kỹ tính hiệu quả của Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia'
Đa số đại biểu Quốc hội đều ủng hộ việc ra đời của Luật Dữ liệu, tuy nhiên việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia, nguồn kinh phí, cơ chế hoạt động của quỹ khiến không ít đại biểu băn khoăn.
Thảo luận tại hội trường về Luật Dữ liệu, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp đề xuất cần cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia, bởi vì hầu hết các nội dung chi của quỹ đã được đảm bảo từ ngân sách nhà nước.
Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia có thể làm tăng gánh nặng cho ngân sách
“Dữ liệu quốc gia là phạm vi trách nhiệm của Nhà nước phải chi từ ngân sách. Nhiệm vụ chi của quỹ cũng trùng lấp với một số quỹ khác như báo cáo thẩm tra. Ngoài ra, nếu thành lập sẽ phát sinh bộ máy và biên chế, tăng áp lực tài chính bổ sung cho quỹ của người dân, mà nhất là doanh nghiệp”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu ý kiến.
Đồng quan điểm đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu nêu ý kiến, khoản 3, điều 29 quy định các hoạt động chi từ Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia, tuy nhiên nội dung chi của quỹ phần lớn đã được đảm bảo từ ngân sách nhà nước và các quỹ khác như Quỹ Đổi mới Khoa học Công nghệ Quốc gia.
“Để tránh trùng lặp và bảo đảm hiệu quả về quản lý tài chính, đề nghị cần rà soát các hoạt động ưu tiên chi từ Quỹ này”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nêu rõ.
Đại biểu Trình Lam Sinh, đoàn An Giang cho rằng, nguồn kinh phí để Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia hoạt động rất quan trọng. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi cùng các luật được ban hành, nhiều quỹ đã được hình thành để hỗ trợ phát triển nhưng hiệu quả hoạt động cũng cần làm rõ.
“Tôi đề nghị cần đánh giá kỹ về cơ sở pháp lý, thực tiễn, tính hiệu quả để xem việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia đã phù hợp với Luật Ngân sách chưa và có trùng với một số quỹ khác hay không?”, đại biểu đoàn An Giang nhấn mạnh.
Ngoài ra, dữ liệu là một dạng “tài sản” mới rất quan trọng, có thể xem như “tài sản” quốc gia. Vậy khi có các nguồn tài chính hỗ trợ, tài trợ từ trong nước và nước ngoài, chúng ta có chịu tác động gì hay không?
“Cần đánh giá các tác động này để đảm bảo chúng ta không bị chi phối hay lộ lọt thông tin khi tìm kiếm thông tin của các nhà tài trợ”, đại biểu Trình Lam Sinh đề xuất.
Đe dọa, lừa đảo – dữ liệu cá nhân từ đâu mà các đối tượng nắm sát đến vậy?
Cũng theo đại biểu đoàn An Giang, dữ liệu rất quan trọng nên các loại tội phạm đều tìm cách có được để thực hiện các hành vi gây nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức và cả quốc gia.
Tội phạm lừa đảo thích nghi, phát triển rất đa dạng và tinh vi nhằm mục đích phạm tội.
“Bản thân tôi trong thời gian qua gặp rất nhiều cuộc gọi lừa đảo. Không hiểu vì sao đối tượng có đầy đủ số điện thoại, công việc, chức vụ của tôi để đe dọa nhiều lần, thậm chí ngay việc thanh toán trực tuyến tiền điện, nước cho bố mẹ tôi mà đối tượng cũng tận dụng để lừa đảo… Rõ ràng dữ liệu cá nhân một cách rất cụ thể của tôi đã bị lộ lọt”, đại biểu Trình Lam Sinh dẫn chứng.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội rất sâu sát, cụ thể theo từng vấn đề dù đây là một luật mới, chuyên ngành và rất khó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Công an tập trung nguồn lực nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một cách hợp lý, xác đáng các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
“Bộ Công an sẽ sớm hoàn thiện tiếp thu, chỉnh lý cố gắng đảm bảo chất lượng để Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Dữ liệu tại kỳ họp này”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thành Long cho hay.