Cần đánh giá tác động xã hội đối với nguyên tắc bồi thường khi thu hồi đất

Đánh giá cao dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định mở rộng việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động về mặt xã hội về nội dung này để luật có tính khả thi khi áp dụng trong thực tế.

Bảo đảm công bằng trong thu hồi đất

Chiều 21/6, phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp ở hội trường Quốc hội, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tiếp thu và chuẩn bị hồ sơ dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 này.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: quochoi.vn)

Quan tâm đến quy định liên quan nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng hoặc bằng tiền được kế thừa từ Luật Đất đai năm 2013.

Đối với việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở, nội dung của nguyên tắc này được mở rộng so với Luật Đất đai năm 2013.

Về lý thuyết, nội dung nguyên tắc này rất tốt, sẽ được người dân đón nhận và đồng tình ủng hộ. Nhưng thực tế, đại biểu cho rằng, khi thực hiện sẽ rất khó khăn và vướng mắc hơn rất nhiều so với bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng hoặc bồi thường bằng tiền.

Lý do theo đại biểu nêu bởi lẽ, không những phải thống nhất với người bị thu hồi về khối lượng, số lượng, đơn giá đối với đất và tài sản, mà còn phải thống nhất với người bị thu hồi về khối lượng, số lượng và đơn giá nơi đến đối với đất hoặc nhà ở.

Do vậy, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động về mặt xã hội và để bảo đảm luật có tính khả thi.

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Cũng liên quan nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) cho biết, tại khoản 2 Điều 90 có quy định: "Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi...".

Cho rằng nội dung này chưa thể hiện được sự công bằng, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cụm từ “có giá trị tương đương” sau cụm từ “bằng việc giao đất”, sửa lại thành: “Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có giá trị tương đương, có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi…”.

Mục đích là để bảo đảm giá trị phần đất bồi thường và giá trị phần đất được bồi thường tương đương về mặt giá trị, tránh trường hợp khi bồi thường nhưng giá trị thấp hơn phần đất trước khi thu hồi, cũng như tránh phát sinh mâu thuẫn và tranh chấp sau này trong việc thu hồi đất.

Quy định về việc thu hồi đất theo hình thức Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, để giải quyết những vướng mắc trong thu hồi đất, trước hết cần xác định thu hồi đất có phải là đất có phải là trưng mua quyền sử dụng đất hay không.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo hộ và không được quốc hữu hóa; trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua, trưng dụng và có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

Như vậy, kết hợp với nội dung về tài sản và thu hồi đất, để làm rõ việc thu hồi đất theo quy định của hiến pháp theo hình thức nào cần được xác định rõ tài sản cá nhân tổ chức không bị quốc hữu hóa và chỉ trong trường hợp cần thiết nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

Từ những phân tích ở trên, đại biểu đề nghị cần làm rõ quy định của Hiến pháp theo hướng nhà nước chỉ có hai phương thức để lấy tài sản, quyền tài sản của công dân là qua trưng mua và trưng dụng.

Nghị quyết số 18 của Trung ương cũng khẳng định rõ quyền sử dụng đất và quyền tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Việc xác định như dự thảo luật cho thấy quyền tài sản của người dân chưa thực sự được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp.

Để phù hợp với Hiến pháp và Bộ luật Dân sự trong khi chưa sửa Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, đại biểu đề nghị trong dự thảo luật cần quy định về việc thu hồi đất theo hình thức nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất.

Liệt kê các trường hợp bị thu hồi đất tại Điều 79, đại biểu cho rằng, việc xác định lợi ích công cộng trong thu hồi đất là một bài toán rất khó và khó xác định lợi ích công cộng trong thu hồi đất, nếu chỉ áp dụng phương pháp loại trừ hoặc phương pháp xác định cụ thể.

Đại biểu nhấn mạnh, cần phải xác định lợi ích công cộng trong việc thu hồi đất là khi lợi ích công cộng phải vượt lên trên lợi ích cá nhân, không phải là lợi ích riêng của Nhà nước và cũng không phải là lợi ích riêng của công dân hay tổ chức khác, mà là lợi ích chung của toàn xã hội.

Chính vì thế, khái niệm lợi ích công cộng như dự thảo luật chưa bao quát thực sự rõ ràng. Vì vậy, đại biểu đề nghị kết hợp hai phương pháp xác định lợi ích công cộng, cần xác định ai là người sử dụng đất tiếp theo, nếu sau khi thu hồi việc sử dụng đất không có yếu tố Nhà nước, không phải vì mục đích công cộng.

Bảo đảm hạ tầng, điều kiện sống cho người dân khi chuyển đến nơi ở mới

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) bày tỏ nhất trí với việc thu hồi đất cần bảo đảm cuộc sống của người dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Ngoài ra, cần bảo đảm hạ tầng, điều kiện sống cho người dân khi chuyển đến nơi ở mới sau khi địa phương thu hồi đất để phục vụ xây dựng các dự án, mục đích khác…

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đồng ý với các quy định về dự thảo hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất, được vay tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, giao đất có mục đích sử dụng với cùng với loại đất thu hồi.

Nếu không có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền hoặc xem xét bồi thường bằng đất khác nếu người dân đồng thuận; khu tái định cư bảo đảm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, có đường giao thông bảo đảm kết nối với khu lân cận.

Tuy nhiên, mỗi gia đình, cá nhân có hoàn cảnh riêng và có nhu cầu về đời sống và việc làm. Vì vậy, Nhà nước cần có nhiều chính sách để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị các chính sách có thể quy ra tiền để người dân thấy mình được hưởng lợi như người khác, bảo đảm công bằng, nhưng đối với chính sách đào tạo nghề cho người chưa có việc làm thì nên hạn chế việc truy tìm trực tiếp mà tạo điều kiện để người dân được học nghề phù hợp với khả năng của họ.

Sau khi thu hồi đất, ngoài việc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, có đường giao thông kết nối với các khu vực lân cận, Nhà nước cần ưu tiên bố trí các tuyến phương tiện giao thông công cộng trong khu vực đến khu tái định cư để người dân đi lại thuận tiện và tiết kiệm trong sinh hoạt, công việc, học tập… từ nơi ở mới đến hạ tầng xã hội và khu vực lân cận.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-danh-gia-tac-dong-xa-hoi-doi-voi-nguyen-tac-boi-thuong-khi-thu-hoi-dat-post758705.html