Cần đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ có cạnh tranh

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, chính sách tài chính dành cho các đơn vị khoa học, công nghệ (KHCN) cần thay đổi từ phương thức chi thường xuyên sang đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu KHCN có cạnh tranh.

Ngày 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp nghe báo cáo về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển thị trường khoa học, công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp.

Thị trường khoa học công nghệ còn trầm lắng, nhiều vướng mắc trong vận hành

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đến nay cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KHCN, trong đó có 21 sàn giao dịch KHCN. Giá trị giao dịch hàng hóa KHCN tăng bình quân 20,9%/năm. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2016-2020 là 12,47%.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, thị trường KHCN còn trầm lắng, nhiều vướng mắc trong vận hành, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ bên ngoài. Nhiều kết quả nghiên cứu KHCN trong nước có địa chỉ ứng dụng nhưng chưa chuyển giao được, chưa hoàn thiện về mặt công nghệ và khả năng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng cao nhưng khó tiếp cận nguồn cung chất lượng. Năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu, thiếu vốn và nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, các tổ chức trung gian của thị trường KHCN chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, nên năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ còn yếu.

Các ý kiến tại cuộc họp thống nhất đánh giá một trong những nguyên nhân của những rào cản, khó khăn trong phát triển thị trường KHCN là do nhận thức chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương; cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, hoàn thiện, nhất là cơ chế định giá sản phẩm hình thành từ đề tài nghiên cứu KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, vai trò kiến tạo của Nhà nước là vô cùng quan trọng trong việc khơi thông nguồn cung, gỡ bỏ các trở ngại về thông tin, giảm thiểu chi phí giao dịch, tạo dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường, hỗ trợ các tổ chức thẩm định, định giá, tư vấn chuyển giao công nghệ…

 Phó Thủ tướng cho rằng, chính sách tài chính dành cho các đơn vị KHCN cần thay đổi.

Phó Thủ tướng cho rằng, chính sách tài chính dành cho các đơn vị KHCN cần thay đổi.

Chính sách tài chính dành cho các đơn vị KHCN cần thay đổi

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, yêu cầu quan trọng nhất để phát triển thị trường KHCN là tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, cùng với thay đổi nhận thức, thúc đẩy nhu cầu đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực tiếp cận, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới của doanh nghiệp.

Theo đó, nguồn lực Nhà nước tập trung đầu tư "ra tấm, ra món" vào những chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, giải quyết các bài toán mang tính chất đột phá về công nghệ lõi, nhiên liệu mới, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, dược sinh hóa, lượng tử,… Những chương trình này phải được đầu tư bài bản, đầy đủ về hạ tầng, cán bộ nghiên cứu, trang thiết bị, hợp tác quốc tế.

Chế độ, chính sách về tiền lương, thu nhập dành cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia nghiên cứu cơ bản phải đủ hấp dẫn để thu hút và phát triển các nhà khoa học đầu ngành, có uy tín trong nước, quốc tế; làm tốt công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, những chương trình nghiên cứu KHCN quy mô lớn do ngân sách Nhà nước hỗ trợ phải được lựa chọn trên cơ sở gắn với ưu tiên, tầm nhìn quốc gia, tiếp cận với thực tiễn, yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng cơ cấu tổ chức, hoạt động của các viện, trung tâm nghiên cứu KHCN cần được đổi mới theo hướng đẩy mạnh tự chủ, phát triển doanh nghiệp KHCN. Cùng với đó, chính sách tài chính dành cho các đơn vị KHCN cần thay đổi từ phương thức chi thường xuyên sang đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu KHCN có cạnh tranh.

Phó Thủ tướng phân tích thêm: Công tác quản lý ngân sách Nhà nước dành cho KHCN cần đổi mới. Ngoài phần chi sự nghiệp thường xuyên cho các đơn vị nghiên cứu KHCN trong các lĩnh vực cơ bản, thì phần còn lại cần được quản lý theo mô hình quỹ đầu tư phát triển với tiêu chí lựa chọn, đánh giá, quản lý đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN theo cơ chế thị trường. Cơ chế hoạt động của quỹ đầu tư phát triển KHCN linh hoạt, dựa vào mục tiêu thay vì quy trình, có tính đến yếu tố rủi ro, thay thế cho cơ chế cấp phát, thanh quyết toán hằng năm.

"Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, quỹ đầu tư phát triển KHCN có thể tiếp nhận nguồn tài chính đóng góp từ doanh nghiệp, lợi nhuận thu được từ các sản phẩm KHCN đã thương mại hóa, các nguồn tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân…", Phó Thủ tướng gợi mở.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-dat-hang-dau-thau-thuc-hien-nhiem-vu-de-tai-nghien-cuu-khoa-hoc-cong-nghe-co-canh-tranh-post252320.html