Cần đầu tư hiện đại hóa truyền thanh cơ sở
Truyền thanh cơ sở là kênh thông tin quan trọng trong công tác tuyên truyền, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, cơ sở vật chất truyền thanh cơ sở tại tỉnh Sóc Trăng hiện đã xuống cấp trầm trọng. Vì vậy, để truyền thanh cơ sở làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, tỉnh cần quan tâm đầu tư đúng mức nhằm hiện đại hóa truyền thanh cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kỳ 1: Kênh thông tin không thể thiếu
Hệ thống đài truyền thanh cấp xã có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị trong suốt các thời kỳ. Đây là hệ thống thông tin chủ lực trong các loại hình thông tin cơ sở, có tác động nhanh nhất và rộng lớn đến người dân.
Nội dung tuyên truyền đa dạng
Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông Sóc Trăng, trong thời gian qua, hệ thống đài truyền thanh cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông tin, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo, điều hành, hoạt động của chính quyền địa phương; thông tin, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, công tác an ninh trật tự, các gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, hoạt động xã hội. Cung cấp thông tin, kiến thức cần thiết đến với nhân dân ở các địa phương trên toàn tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Để công tác tuyên truyền đến được với người dân, đồng chí Lâm Thành Tuấn - cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã Thạnh Quới (huyện Mỹ Xuyên) cho biết, đài thực hiện tiếp sóng, phát lại chương trình thời sự và các chương trình phát thanh khác của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Mỹ Xuyên theo khung giờ từ 5 - 7 giờ 10 phút (buổi sáng), 11 giờ đến 11 giờ 40 phút (buổi trưa) và 17 giờ - 18 giờ 45 phút (buổi chiều). Qua đó, nhiều thông tin hữu ích liên quan đến 3 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; chủ trương chuyển đổi giấy chứng minh nhân dân sang căn cước công dân; cài đặt VNeID… đã được người dân tiếp nhận. Đài Truyền thanh xã Thạnh Quới còn có những bản tin đột xuất, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, các trường hợp khẩn… thực hiện phát sóng, phát thanh theo khung giờ khác và sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo. Ngoài ra, việc biên tập, sử dụng lại các nguồn tin chính thống có nội dung thông tin phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân trên địa bàn xã cũng được đài truyền thanh xã quan tâm thực hiện.
Đài Truyền thanh xã Trung Bình (huyện Trần Đề) bên cạnh việc tiếp sóng các đài Trung ương, tỉnh theo quy định, thông qua hệ thống loa phát thanh, địa phương thông tin kịp thời đến người dân về chương trình hành động của huyện trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các gương điển hình tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo Bác; Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua huyện Trần Đề… Từ đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất của người dân trong thực hiện.
Đưa thông tin chính thống, cần thiết đến với người dân
Những chiếc loa truyền thanh với sức mạnh tuyên truyền kiểu “mưa dầm thấm lâu” đã giúp cho nhiều người dân nắm bắt được các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Như trường hợp của ông Triệu Văn Út ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình (huyện Trần Đề). Theo ông Út, nhờ 2 chiếc loa truyền thanh xã Trung Bình phát ngày 2 buổi sáng, chiều mà ông biết nhiều thông tin thời sự trong nước, thế giới; hoạt động lãnh đạo của tỉnh, địa phương, nhất là những kiến thức quan trọng về cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm để áp dụng vào sinh hoạt gia đình.
Còn chị Dương Thị Ngọc Bích ở ấp Nước Mặn, xã Long Phú (huyện Long Phú) cho biết, do gia đình làm ruộng nên chị quan tâm đến thông tin về nông nghiệp, như: khuyến cáo của ngành chức năng lịch xuống giống, tình hình thiên tai, dịch bệnh… nhất là thông tin độ mặn để chủ động lấy nước phục vụ sản xuất. “Đây là những thông tin rất có ích, cần thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân mà truyền thanh cơ sở tuyên truyền đến người dân” - chị Bích bộc bạch.
Hiện đài truyền thanh cấp xã duy trì thực hiện tiếp âm 2 buổi sáng, chiều/ngày; một số nơi 3 buổi sáng, trưa, chiều/ngày. Tùy theo đặc điểm vùng dân cư, số buổi phát thanh trong ngày có sự điều chỉnh khác nhau, thời lượng phát sóng của từng địa phương cũng khác nhau, trung bình từ 60 - 90 phút/buổi, gồm: Chương trình thời sự tổng hợp của cấp huyện; của tỉnh và tiếp âm chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam và các thông báo của địa phương, qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân để cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đặc biệt, các đợt tuyên truyền bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, đại hội đảng bộ các cấp, đại dịch Covid-19, đài truyền thanh cơ sở đã tuyên truyền sâu rộng, đậm nét và mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, đồng chí Trần Trí Vân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu khẳng định, đài truyền thanh cấp xã là một kênh tuyên truyền không thể thay thế, có nhiệm vụ đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cung cấp tin tức của các cấp chính quyền địa phương đến với các tầng lớp nhân dân. Hiện nay, thông tin xấu, độc tràn lan khắp các nền tảng mạng xã hội, người dân rất khó phân biệt đâu là thông tin đúng - sai. Vì vậy, việc đưa tuyên truyền thông tin chính thống đến người dân là cần thiết, cấp bách và đài truyền thanh cơ sở là kênh thông tin gần dân nhất nên rất cần được phát huy.