Cần đầu tư xây dựng tủ sách pháp luật điện tử

ĐBP - Tủ sách pháp luật (TSPL) là một kênh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai rộng khắp tại các xã, phường, thị trấn nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet và các phương tiện truyền thông hiện đại, mô hình TSPL hiện nay đang bộc lộ nhiều hạn chế, gây lãng phí đầu tư từ ngân sách.

Tủ sách pháp luật tại xã Pú Hồng (huyện Ðiện Biên Ðông) chủ yếu là cán bộ xã tra cứu, tìm đọc.

Có như… không

Khảo sát về tình hình trang bị và sử dụng TSPL, chúng tôi đến trụ sở UBND phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ). Tại đây, TSPL được đặt ngay ở bộ phận “Một cửa”, trang bị rất nhiều đầu sách pháp luật về nhiều lĩnh vực: Hành chính, dân sự, tư pháp, hình sự, đất đai, hôn nhân và gia đình… cùng với các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, dù có nhiều người đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” song chúng tôi không thấy ai tìm đến TSPL để tìm hiểu, tra cứu văn bản pháp luật. Ông Trần Văn Linh, một người dân đến làm thủ tục tại bộ phận “Một cửa” cho biết: Tôi cơ bản chỉ đến làm thủ tục công chứng ở UBND phường, còn TSPL thì tôi chưa quan tâm đến vì đọc và nghiên cứu sách ở đây sẽ mất nhiều thời gian. Trong khi đó, hiện nay mạng internet rất phát triển, cập nhật nhanh các văn bản pháp luật, chỉ với chiếc điện thoại thông minh người dân có thể tìm hiểu thông tin pháp luật ở bất cứ nơi đâu có kết nối internet.

Không riêng gì khu vực thành phố, tình trạng thờ ơ với TSPL cũng phổ biến tại khu vực vùng cao, vùng xa. Tại UBND xã Pú Hồng (huyện Ðiện Biên Ðông) dù TSPL được đặt ngay bộ phận “Một cửa”, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, người dân tới đây làm thủ tục hành chính hầu như không ngó ngàng gì tới. Ông Mùa A Sùng, Chủ tịch UBND xã Pú Hồng cho biết: TSPL của xã hiện nay có 110 đầu sách với gần 200 cuốn song thường chỉ có cán bộ, công chức xã tra cứu, tìm hiểu khi có nhu cầu xử lý công việc. Ngoài ra, không có người dân tìm đến TSPL để tra cứu văn bản. Còn đối với những người đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa”, nhìn thấy tủ sách cũng không mấy quan tâm. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân cho rằng không có nhu cầu, hoặc viện lý do hình thức trình bày TSPL chưa thật sự hấp dẫn, khó đọc...

Sau 20 năm triển khai thực hiện Quyết định số 355/1999/QÐ-TP ngày 22/11/1999 của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo “Quy chế xây dựng quản lý khai thác TSPL xã, phường, thị trấn”, đến nay mỗi đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh đều có TSPL. Ngoài ra, sau 9 năm thực hiện Quyết định số 06/2010/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng, quản lý, khai thác TSPL”, UBND cấp xã, cơ quan Nhà nước, tổ chức đoàn thể, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang cũng được trang bị TSPL để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, cán bộ, công chức Nhà nước, học sinh - sinh viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, TSPL ở các xã, phường, thị trấn hiện nay chủ yếu “tồn tại” cho có, chưa thu hút người dân tới đọc, tìm hiểu thông tin pháp luật.

Xây dựng TSPL điện tử

Ông Trần Thanh Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Ðể mạng lưới TSPL cấp xã, câu lạc bộ pháp luật cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, Sở Tư pháp đã hướng dẫn, củng cố hoạt động câu lạc bộ pháp luật và cấp phát sách miễn phí cho các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, trên cơ sở danh mục sách, tài liệu pháp luật định kỳ (6 tháng, hàng năm) do Bộ Tư pháp hướng dẫn và nhu cầu thực tế, Sở cũng hướng dẫn các cơ quan, đơn vị kịp thời bổ sung, mua các sách, tài liệu mới cho các TSPL trên địa bàn, đảm bảo phù hợp, thiết thực. Ðến nay, toàn tỉnh có 775 TSPL; gồm 116 TSPL cấp xã, 659 TSPL ở các cơ quan, đơn vị. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp phát 340.816 cuốn sách và các tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật.

Mặc dù số lượng sách hàng năm được cấp về các địa phương khá lớn song nhiều TSPL không còn phát huy tác dụng như kỳ vọng trong việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật. Do đó, Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát TSPL hiện có trên địa bàn tỉnh, đánh giá lại hiệu quả khai thác, sử dụng. Ðồng thời, xác định nhu cầu sử dụng TSPL tại các địa phương, đơn vị để có giải pháp hiệu quả.

Không riêng gì Ðiện Biên, trước những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện TSPL trên cả nước, ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2019/QÐ-TTg về “Xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật” có hiệu lực từ ngày 1/5/2019. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là quy định về xây dựng TSPL điện tử quốc gia. Ðể tránh lãng phí, trước mắt tỉnh ta tiếp tục duy trì TSPL truyền thống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, chưa được trang bị máy tính kết nối internet, điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật khó khăn. Ðồng thời triển khai xây dựng TSPL điện tử tại các địa bàn có điều kiện hạ tầng thông tin, công nghệ viễn thông phát triển.

Bài, ảnh: Mai Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/174647/can-dau-tu-xay-dung-tu-sach-phap-luat-dien-tu