Cần đẩy mạnh hỗ trợ vốn, chăm lo cho người lao động trên địa bàn TP.HCM

Các đại biểu góp ý LĐLĐ TP.HCM trong nhiệm kỳ tới cần đẩy mạnh hoạt động chăm lo, hỗ trợ vốn cho công nhân, người lao động.

Ngày 3-8, LĐLĐ TP.HCM tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XII Công đoàn TP.HCM nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Tham dự hội nghị có nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cùng các vị lãnh đạo LĐLĐ TP.HCM qua các thời kỳ.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VÕ THƠ

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VÕ THƠ

Đa số các đại biểu tại hội nghị đều đồng tình với Dự thảo Văn kiện Đại hội XII Công đoàn TP.HCM nhiệm kỳ 2023 – 2028. Đặc biệt, các đại biểu đánh giá cao hoạt động của công đoàn các cấp và LĐLĐ TP.HCM trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo cho đoàn viên, công nhân, người lao động.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng trăn trở trước vấn đề đời sống của nhiều lao động hiện nay vẫn còn khó khăn, đặc biệt là người dân ngoại thành. Do đó, LĐLĐ cần quan tâm, chăm lo hơn nữa đến đối tượng công nhân, lao động nghèo.

“Trong nhiệm kỳ mới, nhiệm vụ quan trọng nhất của LĐLĐ TP là chăm lo tốt hơn nữa cho công nhân, người lao động”- ông Tùng nhấn mạnh.

Nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đóng góp ý kiến cho dự thảo. Ảnh: VÕ THƠ

Nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đóng góp ý kiến cho dự thảo. Ảnh: VÕ THƠ

Ông Tùng cho biết thêm, qua đại dịch COVID-19, công nhân lao động ở các khu công nghệ rất khổ, cuộc sống khó khăn trong khi các quỹ cho vay tín dụng đen lại đang hoành hành. Vậy nên, theo ông, việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn cho công nhân, người lao động là điều hết sức cần thiết.

Đối với tổ chức công đoàn, LĐLĐ TP, trong thời gian tới cần chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, đặc biệt là ở cơ sở.

“Chú trọng xây dựng một đội ngũ cán bộ công đoàn nhiệt tình với công nhân lao động, có tâm, có tầm, có trình độ, năng lực và không thua cán bộ công chức nào cả”- ông Tùng góp ý.

Một vấn đề nữa được nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề cập là chú trọng tập hợp lực lượng lao động, đặc biệt là các lao động tự do bên ngoài. Đẩy mạnh thành lập các nghiệp đoàn chẳng hạn như nghiệp đoàn xe ôm công nghệ Grab, Bee… nếu tập hợp được các lực lượng lao động lại thì sức mạnh của tổ chức công đoàn sẽ tăng lên rất nhiều trong những năm sắp tới.

Còn ông Trương Lâm Danh, nguyên Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM quan tâm trước vấn đề trong những năm qua, các công nhân kể cả cán bộ công chức khi bị sa thải oan ức vẫn không dám đưa vụ việc ra tòa.

“Khi tôi làm ở Ban Pháp chế tôi cũng rất ít khi nhận được trường hợp công nhân đến giải quyết vì vấn đề này. Để rồi khi xảy ra nợ tiền lương, nợ bảo hiểm rồi người dân lại vội vã rút tiền BHXH… Như vậy, đòi hỏi vai trò của tổ chức công đoàn lúc này là phải phát huy mạnh mẽ chức năng bảo vệ người lao động”- ông Danh nói.

Trong giai đoạn 2023-2028, TP sẽ còn đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, ông Danh đề nghị cần tập trung, nâng cao vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, người lao động.

Trước những ý kiến góp ý, bổ sung cho dự thảo, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM ghi nhận và tiếp thu các ý kiến để bổ sung, hoàn thiện cho hoạt động công đoàn trong thời gian tới.

VÕ THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-day-manh-ho-tro-von-cham-lo-cho-nguoi-lao-dong-tren-dia-ban-tphcm-post745227.html