Cần đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi hành vi

Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ chính thức có hiệu lực. Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao động Thủ đô, nhiều cử tri và nhân dân Thủ đô đều bày tỏ sự đồng tình khi Luật bắt đầu đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, cử tri cũng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tất cả người dân nghiêm túc chấp hành Luật.

Ngày 1/1/2020 có thể được xem là thời điểm lịch sử khi người dân và cơ quan thực thi pháp luật phải đối diện với thử thách trong cuộc chiến chống lạm dụng rượu, bia. Trong không khí chào năm mới, nhiều người dân Thủ đô đã bày tỏ sự vui mừng khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ chính thức có hiệu lực.

Chị Trần Thị An (quận Thanh Xuân) bày tỏ sự vui mừng: “Thời gian qua xảy ra quá nhiều vụ việc thương tâm do tác hại của rượu, bia nên tôi rất vui khi Luật bắt đầu được áp dụng. Lần đầu tiên những quy định về khung giờ quảng cáo rượu, bia; độ tuổi được sử dụng rượu, bia hay cấm bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi,... được quy định một cách cụ thể trong Luật. Đây là 1 chính sách đúng đắn, một tiến bộ của xã hội và được đông đảo người dân mong đợi”.

Những cuộc phát động không uống rượu bia khi tham gia giao thông.

Những cuộc phát động không uống rượu bia khi tham gia giao thông.

Khi Luật được thi hành, một trong những vấn đề được người dân quan tâm đó là mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng. Mặc dù có ý kiến cho rằng đây là mức phạt khá cao, tuy nhiên theo nhiều cử tri mức phạt cao mới đủ sức răn đe.

Trước khi ban hành quy định này, tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Các cử tri cũng nêu kiến nghị cần tăng hình thức xử lý đối với việc lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

“Tôi nghĩ với mức phạt đủ sức răn đe như thế này sẽ hạn chế được việc uống rượu, bia sa đà của các hội nhóm. Tâm lý chỉ uống vài chai bia mà bị xử phạt hàng triệu đồng khiến nhiều người sẽ không dám uống rượu, bia rồi lái xe nữa. Qua đó cũng góp phần hạn chế được tai nạn giao thông do rượu, bia gây nên”, anh Đặng Khánh Toàn (quận Hà Đông) chia sẻ.

Cử tri bày tỏ mong muốn khi Luật mới được ban hành theo tôi trong giai đoạn này cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu.

Cử tri bày tỏ mong muốn khi Luật mới được ban hành theo tôi trong giai đoạn này cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu.

Bên cạnh sự ủng hộ, hài lòng khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức đi vào cuộc sống. Cử tri cũng cho rằng để tất cả người dân nắm được Luật và chấp hành nghiêm túc thì cần sự tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp, ngành, cơ quan chức năng.

Ông Trần Hữu Hòa (quận Nam Từ Liêm) bày tỏ: “Văn hóa ăn nhậu đã ăn sâu vào đời sống trong thời gian rất dài. Tâm lý “ép rượu” hay “cả nể” vẫn còn tồn tại trong những “cuộc nhậu” tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Khi Luật mới được ban hành theo tôi trong giai đoạn này cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu. Từ việc hiểu sẽ làm theo, thay đổi được ý thức dẫn đến thay đổi hành vi. Tôi tin tưởng rằng khi có Luật, mọi người sẽ có trách nhiệm với bản thân mình, gia đình và xã hội hơn nữa”.

P.N

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ca-n-da-y-ma-nh-tuyen-truye-n-de-thay-do-i-ha-nh-vi-101679.html