Cần đề cao lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam

Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám, TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, thời nay, càng cần thiết đề cao lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam.

TS. Nguyễn Viết Chức cho rằng, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một bước ngoặt cách mạng chưa từng có trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. (Nguồn: VGP)

TS. Nguyễn Viết Chức cho rằng, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một bước ngoặt cách mạng chưa từng có trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. (Nguồn: VGP)

Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một bước ngoặt cách mạng chưa từng có trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. Từ đây, nhân dân Việt Nam đã thật sự làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của quốc gia, dân tộc.

Đặc biệt, Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đưa dân tộc Việt Nam lên một vị trí mới với những thắng lợi mới về kinh tế, chính trị và xã hội, văn hóa. Cuộc cách mạng ấy đã để lại nhiều giá trị và bài học vô cùng quý giá đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ trẻ là những người gánh vác trọng trách quan trọng trong việc đưa đất nước tiến lên.

Sức mạnh của lòng dân

Phải nói rằng, chúng ta đang được thừa hưởng thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám. Điều lớn nhất theo tôi đó là đất nước được độc lập, tự do, đem lại vị thế cho con người Việt Nam. Ý nghĩa và bài học của cuộc cách mạng này rất lớn, đó là lòng dân. Bởi vì, tất cả người dân lúc bấy giờ đều hướng về độc lập, tự do của dân tộc. Đây chính là sức mạnh của lòng dân, sức mạnh của lẽ phải, sức mạnh của công lý nên chúng ta mới có thể giành được chính quyền.

Thời nay, càng cần thiết đề cao lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam. Theo tôi, điều tự hào lớn nhất đó là tình đoàn kết. Thứ hai là niềm tự hào vì dân tộc đã có niềm tin vào lịch sử, niềm tin vào công lý, niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Chúng ta có niềm tin trong khó khăn, có thể nói là “ngàn cân treo sợi tóc”. Có thể tự hào rằng trong hoàn cảnh nào, người dân Việt Nam vẫn bất khuất, kiên cường, vẫn có ý chí độc lập, tự cường ngay từ lúc khó khăn nhất. Chúng ta tự hào về tiến trình cách mạng Việt Nam.

Do vậy, cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc phát huy những giá trị, tinh thần của Cách mạng tháng Tám vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

So sánh khập khiễng nhưng đúng là không có thời kỳ nào khó khăn như thời Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tôi nghĩ rằng, thế hệ trẻ đương nhiên phải kế thừa truyền thống của ông cha. Cũng phải hiểu rằng, trong mọi trường hợp, khó khăn nào cũng có thể vượt qua được.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Phải hiểu cơ đồ này không phải chỉ là nhà cao tầng hay đường giao thông, kinh tế phát triển… Mà là cơ đồ tổng thể, đó là vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta có bạn bè quốc tế, có mối quan hệ với các tất cả các nước, ngay cả những nước lớn cũng có quan hệ bình đẳng. Cộng đồng quốc tế tin chúng ta là một nước đang có tốc độ phát triển cao. Theo tôi, không chỉ là chuyện phát triển kinh tế, mà nước ta còn là một đối tác đáng tin cậy trong xu thế toàn cầu hóa, mở cửa hội nhập và phát triển. Đó thực sự là một gia tài lớn, một cơ đồ không dễ gì có được.

Giáo dục giới trẻ thêm yêu và tự hào về lịch sử nước nhà

Trách nhiệm của tuổi trẻ là phải kế thừa thành quả cách mạng, đồng thời tự hào rằng, ông cha ta đã xây dựng nên và cho chúng ta cơ đồ to lớn. Các em phải tiếp tục kế tục được sự nghiệp của cha anh, phải làm tốt hơn thế hệ đi trước. Làm sao cho đất nước ngày càng tươi đẹp, giữ vững độc lập, hòa bình, dân chủ và giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đây là mơ ước cũng là niềm tin của Bác Hồ đối với thế hệ trẻ.

Nói như vậy để thấy, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám đối với việc giáo dục thế hệ trẻ ngày nay. Có thể nói, cuộc cách mạng này cũng thể hiện văn hóa. Văn hóa đó là vì con người, nghĩa là, con người được đặt lên trên hết. Ngay trong Tuyên ngôn độc lập cũng nói rất rõ quyền của con người, quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là văn hóa, đặc biệt không có gì quý hơn độc lập tự do.

Bài học ở đây chính là khó khăn đến mấy chúng ta cũng có thể vượt qua. Khó khăn bằng Cách mạng tháng Tám mà còn có thể vượt qua được thì không gì có thể ngăn cản được bước tiến, ý chí, nguyện vọng của người dân Việt Nam. Đó là, xây dựng một đất nước hòa bình, muốn là bạn với tất cả, muốn không chỉ nước mình phát triển mà cả cộng đồng quốc tế cùng phát triển, cùng sống trong không khí hòa bình và thịnh vượng.

Đặc biệt, còn bài học nữa đó là chúng ta luôn luôn chọn lẽ phải, phải đứng về lẽ phải, để sống, để cống hiến. Cái này cũng thể hiện tinh thần không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đây là bài học xương máu của Việt Nam. Bây giờ, vì đất nước phát triển thì mỗi người dân phải cống hiến hết mình.

Trách nhiệm mới của người trẻ là đưa đất nước tiến lên, không thể tụt hậu được. Phải độc lập, tự cường thì người dân mới sung sướng, hạnh phúc, vậy thì tuổi trẻ phải học hành, chăm rèn luyện, tu dưỡng. Thế hệ đi trước phải là tấm gương để cho thế hệ trẻ noi theo chứ không phải “khoán” hết trách nhiệm cho thế hệ trẻ.

Tức là, người trẻ phải phấn đấu, cố gắng không ngừng nhưng thế hệ đi trước phải là tấm gương, tất cả phải đồng lòng, đoàn kết. Bài học lớn nhất mà chúng ta phải ghi nhớ đó là đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công. Đấy cũng chính là tinh thần của Cách mạng tháng Tám.

Muốn vậy, cần giáo dục giới trẻ làm sao để các em không quên lịch sử, yêu và thêm tự hào về lịch sử nước nhà. Tôi nghĩ rằng, không phải là giáo dục thụ động, mà phải tạo ra một không khí, không gian sáng tạo. Tinh thần của Cách mạng tháng Tám thấm sâu vào tất cả mọi người dân.

Bởi lẽ, cuộc cách mạng này không phải chỉ giải phóng dân tộc Việt Nam mà còn góp phần vào hòa bình, ổn định của thế giới, đem đến độc lập tự do, đem đến hào khí, đem đến không khí mới. Ở đây, giáo dục theo tôi hiểu thông qua những hoạt động thực tiễn, thông qua từng con người, rèn luyện mình để đóng góp cho cái chung của đất nước cũng như cho khu vực và thế giới.

TS. Nguyễn Viết Chức

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/can-de-cao-long-tu-hao-dan-toc-trong-moi-nguoi-dan-viet-nam-238809.html