Cần đề xuất xây dựng chính sách hệ sinh thái đặc thù của phụ nữ khởi nghiệp

Là một chuyên gia khởi nghiệp, có thời gian dài gắn bó với phong trào khởi nghiệp nói chung và các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN Việt Nam, TS. Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Đào tạo doanh nhân APEC, đưa ra những đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện Đề án 'Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025' (Đề án 939).

 TS. Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Đào tạo doanh nhân APEC, góp ý kiến tại Hội thảo tham vấn về định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

TS. Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Đào tạo doanh nhân APEC, góp ý kiến tại Hội thảo tham vấn về định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Theo TS. Trần Duy Khanh, trong số các đề án được Chính phủ phê duyệt, Đề án 939 do Hội LHPN Việt Nam chủ trì và Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) của Bộ Khoa học và Công nghệ là 2 đề án thực sự có hiệu quả, có tác động lan tỏa từ cơ sở đến Trung ương, góp phần thay đổi nhận thức về khởi nghiệp của người Việt Nam.

Với Đề án 939, những năm qua, phong trào nghiệp và các kết quả đạt được thể hiện sự nỗ lực cao của các tầng lớp hội viên, phụ nữ từ Trung ương đến cơ sở. Tại nhiều tỉnh, đội ngũ cán bộ Hội LHPN từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã thực sự vào cuộc, góp phần giúp Đề án đạt được hiệu quả tốt.

Tính đến năm 2024, đã có 4/5 mục tiêu của Đề án (đến năm 2025) hoàn thành và hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đặt ra, có những mức tiêu hoàn thành vượt mức gấp 3-4 lần. Trong đó, điểm nhấn của Đề án là Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp được tổ chức hàng năm, Cuộc thi đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp hội viên phụ nữ cả nước, khơi dậy đam mê, cống hiến và sự tự tin để chị em vươn lên khởi nghiệp, khẳng định quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Bên cạnh những điểm mạnh, trong giai đoạn triển khai, thực hiện Đề án 939 vẫn còn có hạn chế. TS. Trần Duy Khanh cho biết, Đề án 939 chưa thực sự quan tâm nhiều đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ các cấp về khởi nghiệp. Trong khi đây chính là đội ngũ hiểu và truyền tải ngọn lửa khởi nghiệp đến chị em hội viên, phụ nữ.

Hội thảo tham vấn về định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 3/12/2024

Hội thảo tham vấn về định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 3/12/2024

Góp ý cho các nội dung được soạn thảo xây dựng Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035", TS. Trần Duy Khanh gợi mở một số nội dung:

Về đối tượng hỗ trợ của Đề án trong giai đoạn tới, đề nghị nhóm nghiên cứu cầm bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cơ sở và căn cứ pháp lý, đặc biệt là căn cứ vào sự phát triển của xã hội để xác định cụ thể.

Ví dụ: với "nhóm phụ nữ đã khởi nghiệp", cần xác định thế nào là đã khởi nghiệp, phụ nữ đã khởi nghiệp, theo luật có Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ hỗ trợ. Vậy các chủ hộ kinh doanh nằm trong phạm vi nào? Trong khi hiện nay, cả nước có gần 5,7 triệu hộ kinh doanh và chiếm trên 70% số lượng này là phụ nữ; cần xác định đối tượng này thuộc nhóm đã khởi nghiệp hay chưa khởi nghiệp. TS. Trần Duy Khanh đánh giá, tác động vào nhóm đối tượng này rất quan trọng, vì Đảng và Nhà nước đang rất kỳ vọng sẽ tác động các hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, TS. Trần Duy Khanh cũng đề nghị làm rõ các nhóm kinh tế tập thể, các nhóm HTX do phụ nữ làm chủ, tiến tới làm chủ sẽ xếp vào nhóm đối tượng nào để họ nhận được sự hỗ trợ từ Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Về hệ sinh thái khởi nghiệp, TS. Trần Duy Khanh chia sẻ, hiện mỗi đơn vị, trường đại học ngoài hệ sinh thái khởi nghiệp chung còn có hệ sinh thái đặc thù, không mô hình nào giống mô hình nào. Vậy hệ sinh thái đặc thù của chị em phụ nữ khởi nghiệp là gì? Hội LHPN Việt Nam nên tham mưu, đề xuất chính sách đặc thù dành cho phụ nữ khởi nghiệp.

Về Định hướng tầm nhìn, TS. Trần Duy Khanh đề xuất chia thành 2 giai đoạn, phù hợp với 5 năm, 10 năm sau để vừa đánh giá được chiều sâu, hiệu quả của Dự án; vừa bám sát xu thế cách mạng số, cách mạng xanh, cách mạng tuần hoàn, phát triển bền vững trong nước và trên thế giới.

Sáng 3/12/2024, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn về định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035 nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp, các tổ chức, đơn vị đồng hành cùng Hội LHPN Việt Nam, phụ nữ khởi nghiệp và đại diện Hội LHPN các cấp.

Các thông tin giá trị, những chia sẻ hữu ích của buổi hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các giải pháp, hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp của phụ nữ theo hướng ngày càng đổi mới, sáng tạọ, bắt kịp với bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đất nước.

Trần Lê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/can-de-xuat-xay-dung-chinh-sach-he-sinh-thai-dac-thu-cua-phu-nu-khoi-nghiep-20241204101334031.htm