Cần dẹp tận gốc tình trạng 'chặt chém' cước taxi
Liên tiếp xảy ra các vụ việc tài xế taxi, xe ôm câu kết lừa đảo, thu cước phí cao gấp nhiều lần thực tế của du khách nước ngoài và người dân ngoại tỉnh đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận.
Những hành vi này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng, mà còn làm hoen ố hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam, gây bất an xã hội và thách thức hiệu lực quản lý của các cơ quan chức năng.

Hai đối tượng "chặt chém" cuốc taxi từ sân bay Nội Bài về phường Hoàn Kiếm trị giá 900.000 đồng. Ảnh: Công an cung cấp.
Những cuốc xe với giá… trên trời
Tháng 6 và đầu tháng 7-2025, trên địa bàn thành phố liên tiếp ghi nhận các vụ việc hành khách bị các tài xế taxi, xe ôm câu kết lừa đảo trắng trợn.
Điển hình là vụ việc của hai thím cháu người dân tộc Mông, anh Giàng Hồ (25 tuổi) và chị Cư Mủa (32 tuổi) vào chiều 13-6. Lần đầu từ Lào Cai xuống Hà Nội thăm người thân tại Bệnh viện Nhi trung ương, do không rành đường, khi trở về, họ đã bị một số đối tượng giả danh nhà xe lừa đi qua nhiều chặng xe ôm và taxi, cuối cùng bị ép chuyển khoản 4,2 triệu đồng cho một quãng đường ngắn - cao gấp gần 12 lần giá thị trường, cùng với 700.000 đồng cho hai người lái xe ôm.
Không chỉ người dân trong nước, cả du khách quốc tế cũng trở thành mục tiêu của các chiêu thức “chặt chém”. Ngày 19-6, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài nhận phản ánh từ một du khách Đài Loan (Trung Quốc) về việc bị yêu cầu trả 900.000 đồng cho chuyến taxi từ sân bay đến phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm) trong khi thực tế giá cước chỉ khoảng 367.000 đồng. Để "lừa" khách hàng, tài xế taxi đã sử dụng ứng dụng giả để làm sai lệch thông tin cước phí.
Gần đây nhất, ngày 1-7, mạng xã hội lan truyền thông tin về một nhóm du khách nước ngoài bị tính tới 1,5 triệu đồng cho chặng taxi chỉ dài khoảng 2-3km từ hồ Hoàn Kiếm đến phố Lò Sũ, phường Hoàn Kiếm.
Thực trạng đáng báo động cho thấy đây không chỉ là hành vi đơn lẻ, mà có dấu hiệu của các đường dây cò mồi hoạt động tinh vi tại các bến xe, sân bay, điểm du lịch. Các đối tượng này lợi dụng sự thiếu hiểu biết, bất đồng ngôn ngữ và tâm lý hoảng loạn của hành khách để cưỡng đoạt tài sản.
Trước các vụ việc trên, Công an thành phố Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc điều tra. Sau khi nắm bắt được thông tin về trường hợp của hai thím cháu người Mông, cơ quan công an đã tạm giữ 3 đối tượng liên quan và khởi tố bị can Thái Ngọc Anh, tài xế taxi, về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Với hai vụ việc của du khách Đài Loan tại sân bay Nội Bài di chuyển về phường Hoàn Kiếm và của nhóm du khách nước ngoài bị thu 1,5 triệu đồng từ hồ Hoàn Kiếm đến phố Lò Sũ tại phường Hoàn Kiếm, công an cũng đã buộc tài xế hoàn trả toàn bộ số tiền và đang xem xét xử lý theo quy định.

Tài xế taxi Thái Ngọc Anh bị khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ảnh: Công an cung cấp.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, việc xử lý đơn lẻ các vụ “chặt chém” là chưa đủ, mới chỉ là giải quyết phần "ngọn". Bởi thực tế, hoạt động kiểm tra, tuần tra, giám sát các phương tiện vận tải nhỏ, lẻ, xe dù, xe hợp đồng trá hình… của cơ quan chức năng có liên quan vẫn mang tính thời điểm, thiếu liên tục và chưa sâu sát, trong khi nhận thức pháp luật của một bộ phận tài xế còn thấp. Nhiều người coi nhẹ các chế tài xử phạt, thiếu ý thức đạo đức nghề nghiệp và xem việc “làm luật”, “chặt chém” là cách mưu sinh bình thường.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định: “Pháp luật quy định hoạt động vận tải hành khách là hoạt động kinh doanh có điều kiện, các bên tự do thỏa thuận giá cả. Tuy nhiên, nếu lợi dụng hoạt động vận tải hành khách để đưa ra những thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của người khác thì có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nếu có hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác để chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản”.
Để ngăn chặn tình trạng “chặt chém” cước taxi, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tổng hợp và phân tích dư luận xã hội thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Cần gắn mã QR định danh bắt buộc cho tất cả phương tiện vận tải thu tiền trực tiếp, giúp hành khách tra cứu thông tin tài xế, lịch sử chuyến đi và giá cước, đồng thời, tăng khả năng giám sát của cơ quan chức năng. Ngoài ra, không chỉ dừng ở mức phạt hành chính, mà xử phạt nghiêm ngay từ lần đầu vi phạm”.
Lo lắng và bức xúc trước tình trạng này, ông Nguyễn Tiến Vinh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Ga, xã Thường Tín cho rằng: “Cần mạnh tay tạm giữ phương tiện, tước phù hiệu hoặc giấy phép lái xe nếu có dấu hiệu tái phạm hoặc hành vi có yếu tố hình sự. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp trong giới lái xe để tài xế hiểu rằng, lừa đảo hành khách không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn làm mất đi lòng tin vào ngành vận tải, tổn hại hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế”.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng cần cung cấp thông tin cảnh báo tại các địa điểm như sân bay, bến xe, điểm du lịch và phát huy vai trò của đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ người dân để tránh bị lừa…
Những vụ việc “chặt chém” từ các tài xế taxi không chỉ đơn thuần là hành vi sai trái, mà còn là vấn đề xã hội đáng báo động. Hành động này làm xấu đi hình ảnh của Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi đáng lẽ phải là điểm đến thân thiện, an toàn với mọi người.
Chấn chỉnh tình trạng này không thể chỉ trông chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng sau mỗi vụ việc cụ thể. Đã đến lúc, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần hành động kiên quyết, đồng bộ, có tính răn đe cao. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần nêu cao cảnh giác, chọn phương tiện di chuyển chính thống, không nghe theo lời mời gọi mập mờ, góp phần tạo nên môi trường giao thông minh bạch, văn minh.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-dep-tan-goc-tinh-trang-chat-chem-cuoc-taxi-708051.html