Cần điều chỉnh cụ thể với việc chuyển nhượng phần vốn góp

Để chỉnh lý, hoàn thiện tốt nhất với dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm tới, Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về một số vấn đề chuyên sâu của dự thảo Luật này. Trong đó có nội dung về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Điều 78).

Phản ánh đúng bản chất của hợp tác xã

Tại Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa qua, Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, sẽ tiếp thu và chỉnh lý quy định tại Điều 78 theo hướng cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu. Quy định như vậy nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên và bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp cũng như tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành thành viên chính thức.

Quang cảnh tọa đàm

Quang cảnh tọa đàm

Theo đề xuất của Thường trực Ủy ban Kinh tế, thành viên liên kết góp vốn với mức vốn góp tối đa của mỗi thành viên chính thức không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã. Tổng phần vốn góp tối đa của tất cả thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã. Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các thành viên khác không nhận chuyển nhượng phần vốn góp và thành viên không còn nhu cầu là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì có thể xin ra khỏi các tổ chức này, chấm dứt tư cách thành viên, được trả lại phần vốn góp theo quy định của Luật này và Điều lệ của mỗi hợp tác xã. Dự thảo Luật không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Nhìn từ góc độ đơn vị thực hiện, Chủ tịch Liên hiệp hợp tác xã tỉnh Ninh Bình Lê Thị Tâm cho rằng, quy định như dự thảo Luật sau khi chỉnh lý, hoàn thiện đã phản ánh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội, tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa hợp tác xã”, hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.

Chủ tịch Liên hiệp hợp tác xã tỉnh Ninh Bình Lê Thị Tâm phát biểu tại tọa đàm

Chủ tịch Liên hiệp hợp tác xã tỉnh Ninh Bình Lê Thị Tâm phát biểu tại tọa đàm

Tuy nhiên, bà Lê Thị Tâm cũng cho rằng, dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ, yêu cầu cả hai bên bán và mua đều đồng ý chuyển nhượng, nhưng phải bảo đảm tôn chỉ, nguyên tắc, bản chất hoạt động của hợp tác xã. Từng hợp tác xã cũng cần nghiên cứu để quy định cụ thể hơn về hoạt động này trong Điều lệ.

Đánh giá chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là một chế định phức tạp hơn chuyển nhượng vốn góp của cổ đông trong doanh nghiệp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu chỉ rõ, vì trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có nhiều thành viên, phần vốn góp, với quyền, lợi ích khác nhau. Để không phải bổ sung về nội dung này, Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu đề nghị, cần quy định giao Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục, thời hạn chào bán, sau bao nhiêu ngày chào bán phải thực hiện chuyển nhượng vốn… Đây là những nội dung rất kỹ thuật và phức tạp.

Nên ưu tiên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mua lại vốn góp?

Tại khoản 2, Điều 78, dự thảo Luật quy định rõ, việc chuyển nhượng phần vốn góp được ưu tiên cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thành viên theo thứ tự sau: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thành viên chính thức; thành viên liên kết góp vốn; thành viên liên kết không góp vốn. Theo Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu, dự thảo Luật cần quy định rõ nguyên tắc “hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là đối tượng cuối cùng mua lại phần vốn góp của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”; quy định điều kiện thực hiện mua lại phần vốn góp của hai đối tượng này. Bởi, khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mua lại vốn góp của thành viên thường sẽ gây giảm vốn điều lệ, ảnh hưởng đến tất cả các bên liên quan, trong đó có cả "chủ nợ" của hợp tác xã.

Giảng viên Đại học Hải Dương, PGS, TS Chu Tiến Quang phát biểu.

Giảng viên Đại học Hải Dương, PGS, TS Chu Tiến Quang phát biểu.

Để công bằng cho các loại thành viên trong hợp tác xã vì họ góp tiền, công sức và nếu không góp tiền, công sức thì cũng đều có đóng góp trách nhiệm, Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu tán thành quy định ưu tiên mua lại vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác tương ứng với vai trò của từng loại thành viên. Lý lẽ là bởi, khi chào bán vốn điều lệ, các cổ đông của doanh nghiệp thường quan tâm việc bảo đảm công bằng, nếu không tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của một cổ đông trong doanh nghiệp có thể giảm xuống nếu các cổ đông đều có quyền mua lại vốn điều lệ của doanh nghiệp như nhau.

Từ góc độ thực tế, PGS. TS Chu Tiến Quang - Giảng viên Đại học Hải Dương đề xuất, trong quy định về thành viên hợp tác xã không nên sử dụng khái niệm “thành viên liên kết có góp vốn”, thay vào đó nên quy định “thành viên liên kết không góp vốn, chỉ đóng phí vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã” để làm rõ sự khác biệt rất rõ ràng giữa thành viên chính thức và thành viên liên kết. Tương tự, đối với việc chuyển nhượng vốn góp, PGS. TS Chu Tiến Quang đề nghị, chỉ cho phép thực hiện đối với thành viên chính (có góp vốn) vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đối tượng nhận chuyển nhượng có thể là thành viên chính và thành viên liên kết không góp vốn. Cùng với đó, cần quy định rõ về các vấn đề liên quan tới đối tượng chuyển nhượng gồm: có thể chuyển nhượng toàn bộ hoặc chuyển nhượng một phần vốn góp của mình; trường hợp giá trị còn lại của vốn góp cao hơn vốn góp tối thiểu thì thành viên chuyển nhượng vốn góp vẫn có tư cách thành viên chính; trường hợp chuyển nhượng toàn bộ vốn góp thì thành viên đó mất tư cách thành viên; trường hợp chuyển nhượng một phần vốn góp mà phần còn lại nhỏ hơn vốn tối thiểu thì thành viên đó chuyển sang thành viên liên kết và đóng phí theo quy định của Điều lệ (nếu muốn) hoặc không còn là thành viên chính và ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (nếu không muốn là thành viên liên kết). Đặc biệt, không quy định hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là đối tượng được mua lại phần vốn góp của thành viên, PGS.TS Chu Tiến Quang đề nghị.

Báo cáo làm rõ một số nội dung tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khi cho ý kiến về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, quy định liên quan đến chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Điều 78) được đưa ra nhằm cố gắng làm “van khóa” để tạo điều kiện cho việc chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên. Thực tế thời gian qua, đã có câu chuyện, cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được chuyển vốn góp, sau đó chuyển đổi và thâu tóm. Đây là nỗ lực lớn của các cơ quan chức năng trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật và được các chuyên gia đánh giá cao tại Tọa đàm góp ý. Nhưng, rõ ràng, đây là một nội dung khó và phức tạp, đòi hỏi cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm tính khả thi sau khi thông qua.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/can-dieu-chinh-cu-the-voi-viec-chuyen-nhuong-phan-von-gop-i323722/